icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Cái chết” được báo trước

Thọ Trung

Ngày 23-8-2009 trở thành ngày buồn nhất trong lịch sử bóng đá TPHCM khi CLB TPHCM rớt hạng sau thất bại 2-3 trước B.Bình Dương, khiến thành phố lớn nhất nước lần đầu tiên kể từ sau ngày thống nhất đất nước không còn đại diện nào ở sân chơi cao nhất cấp CLB trong nước

Không phải đợi đến lúc CLB TPHCM bị loại khỏi V-League, hồ sơ thất bại mới được giở ra để tìm nguyên nhân. Ngay sau khi kết thúc lượt đi mùa 2009, lúc ấy số phận đội bóng này chưa thật sự nguy kịch, song trong góc nhìn của nhiều người, khả năng rớt hạng của đội sẽ xảy ra nếu như không có giải pháp củng cố kịp thời. Cuối cùng, lời cảnh báo trở thành sự thật vào chiều 23-8, chấm dứt sự có mặt liên tục trong 34 năm của bóng đá TPHCM ở sân chơi lớn nhất nước. Trách nhiệm này thuộc về ai?

img
Lão tướng Hồ Văn Lợi (trái) và trung vệ kỳ cựu Lương Trung Tuấn mắt đỏ hoe sau khi CLB TPHCM xuống hạngẢnh: Q.Liêm

Yếu lực, thiếu tiền


Kể từ khi TMN.CSG, tiền thân của CLB TPHCM, lên hạng trở lại vào năm 2002, đại diện được yêu mến nhất của bóng đá TP liên tục vật lộn với cuộc đua trụ hạng. Nguyên nhân chính: Lực lượng vừa thiếu vừa yếu vì không đủ tiền giữ chân cầu thủ giỏi (cả nội lẫn ngoại) cũng như lôi kéo được người tài.


Kết thúc lượt đi mùa này, CLB TPHCM xếp vào nhóm các đội cuối bảng, một phần vì ngoại binh thay nhau chấn thương, cầu thủ trẻ non kinh nghiệm. Cũng vào thời điểm đó, hội nghị thường niên của LĐBĐ TPHCM diễn ra với lời kêu gọi toàn đội nỗ lực vượt khó. Nhưng để làm được điều đó, không thể nói suông mà phải cần có tiền. Chính sự bế tắc về nguồn tài chính nên thực lực của đội không khá hơn lượt đi bao nhiêu và cuối cùng, thầy trò HLV Lư Đình Tuấn đành chấp nhận cái kết thúc cay đắng.


Chuyện CLB duy nhất của bóng đá TPHCM tại V-League thiếu tiền giữ chân và thuê cầu thủ giỏi đúng là gây bất ngờ cho nhiều người. Trước khi chuyển phiên hiệu thành CLB TPHCM, TMN.CSG luôn kinh doanh có lãi khi bán được rất nhiều bảng quảng cáo. Khi đổi tên thành CLB TPHCM, lãnh đạo CLB tin rằng họ sẽ thu hút được nhiều nhà tài trợ hơn vì thương hiệu “TPHCM” rất hấp dẫn. Nhưng tiền tăng đâu không thấy mà chỉ thấy mỗi mùa, lực lượng đội ngày càng suy yếu. Việc chuyển đổi tên nhằm thu hút tài trợ vô tình cũng làm đánh mất luôn cả lực lượng CĐV – vốn có truyền thống lâu năm và nguồn động viên giúp đội bóng này vượt qua nhiều cơn sóng dữ.

img
Một cổ động viên TPHCM khóc nức nở khi CLB TPHCM rớt hạng. Ảnh: Q. Liêm

Ngành quản lý chỉ định hướng


Sự có mặt thấp thoáng của một vài quan chức ngành TDTT TP trên khán đài sân Thống Nhất chiều 23-8 cũng như ở trận thua M.Nam Định tại lượt trận áp chót dường như chỉ có thể xem là những cuộc động viên cho có lệ hơn là sự quan tâm chân tình. Điều này cũng đơn giản vì bóng đá đỉnh cao và việc tập trung chăm lo cho các đội bóng đại biểu cho phong trào TPHCM ở sân chơi hạng nhất quốc gia hay V- League không còn là trọng tâm hàng đầu của ngành TDTT TP. Ngược lại, lãnh đạo ngành viện vào  lý do các đội bóng sống trong quy chế  chuyên nghiệp nên trách nhiệm tự thân tồn tại là chính, ngành TDTT chỉ đóng vai trò định hướng!


Sẽ là sự so sánh khập khiễng cho ngành TDTT TP với các đơn vị khác thành công với bóng đá như Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, bởi theo lý giải của những người trách nhiệm, sức sống của phong trào TDTT không chỉ có bóng đá. Tuy nhiên, đây chỉ là lời biện minh cho cái kiểu quản lý thiếu thực tế vì đã có một thời bóng đá TPHCM được xem là kiểu mẫu nhất nước không những có nhiều đội bóng tên tuổi như Cảng Sài Gòn, Hải quan, Sở Công nghiệp, Công an TP mà còn có cả hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ khá quy củ, cung cấp nhiều tài năng cho quốc gia. Với một “tài sản” quá lớn như vậy nhưng không hiểu vì sao ngành TDTT TP không biết duy trì được sự liên tục, nói chi đến sự phát triển. Không chỉ thua sút bóng đá, thể thao TP còn mất luôn thế mạnh ở các môn bóng chuyền, xe đạp...


Trong cơn khủng hoảng của bóng đá TPHCM, không thể bỏ qua trách nhiệm của LĐBĐ TPHCM, dù cũng cần phải xem xét trong hoàn cảnh và điều kiện hoạt động của tổ chức này khi thừa hưởng vốn ít ỏi từ nhiệm kỳ trước. Chính từ lý do này mà khi LĐBĐ TPHCM chuyển đổi nhân sự điều hành mới từ tháng 4-2008, ông chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng không đưa ra lời cam kết nào về khả năng đem lại sự khởi sắc cho bóng đá TP. Nhiệm vụ của liên đoàn chỉ có thể là người tiếp sức cho CLB TPHCM bằng việc vận động nguồn tiền thưởng cho chỉ tiêu phấn đấu trụ hạng.


Tuy nhiên, với vai trò của mình, LĐBĐ TPHCM phải thể hiện sự năng động trong bối cảnh nền bóng đá đỉnh cao TP thiếu sự chăm chút của lãnh đạo các cơ quan thẩm quyền, đặc biệt là sự quan tâm của cấp cao nhất TP. Thiếu đi sự đồng thuận từ lãnh đạo TPHCM, rồi người hâm mộ mất lòng tin, LĐBĐ TPHCM dường như cũng thả nổi để mặc cho con thuyền là CLB TPHCM trôi theo dòng định mệnh...

 

Kỳ tới: Những người có trách nhiệm nói gì?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo