Dù sở hữu chân sút Nguyễn Công Thành đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới Giải Hạng nhất và một vài tuyển thủ quốc gia trong đội hình nhưng Đồng Tháp vẫn gục ngã trước Long An trong trận cầu "định mệnh" bởi kém hơn đối thủ về niềm tin và sự quyết tâm thi đấu. Đó cũng là điều tất yếu bởi màn trình diễn kém cỏi ở mùa này, là hệ quả sau 4 năm thi đấu thiếu bản sắc tại sân chơi Hạng nhất. Đặc biệt một số cầu thủ trẻ có năng lực lại bị kỷ luật khi tham gia đường dây cá độ bóng đá, khiến Đồng Tháp mất nhiều trụ cột.
CLB Đồng Tháp phải xuống chơi Giải Hạng nhì quốc gia từ mùa giải năm sau Ảnh: VPF
Để cầu thủ trẻ dính vào tiêu cực, xuất phát từ lỗi của những người đào tạo và từ những nhà làm bóng đá địa phương, khi để cầu thủ có thu nhập quá thấp, dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Điều đáng nói là trong 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp nhận án phạt nặng do dính tới tiêu cực, một số cầu thủ có hoàn cảnh gia đình thuộc hàng khá giả nhưng vẫn "nhúng chàm". Điều đó cho thấy đào tạo cầu thủ trẻ mà không chú trọng vào việc rèn luyện đạo đức, nhân cách là sai lầm tai hại, là cái họa của đội bóng sau này.
Bóng đá Đồng Tháp thời hoàng kim từng 2 lần lên ngôi ở Giải Vô địch quốc gia nhưng cũng từ sau đó, đội bóng xứ sen hồng trượt dốc không phanh vì gánh nặng tài chính và giờ đây phải xuống chơi ở Giải Hạng nhì.
CLB Đồng Tháp sụp đổ, xuống hạng phản ánh thực tại của một nền bóng đá đã xuống cấp, dù từng là "lò" đào tạo bóng đá trẻ tiếng tăm, sản sinh nhiều cầu thủ giỏi.
Bóng đá miền Tây sở hữu bản sắc riêng biệt, thi đấu nhiệt huyết, đoàn kết và đầy nội lực nhưng phải được tổ chức, đào tạo bài bản hơn, đặc biệt là phải có khả năng tài chính.
Với bóng đá chuyên nghiệp, không có tiền thì không nên làm bóng đá, bởi ở thời điểm hiện tại bóng đá chưa thể nuôi nổi được mình. Đó là khó khăn chung của bóng đá Việt Nam đang trên đường chuyên nghiệp hóa chứ không riêng gì Đồng Tháp.
Bình luận (0)