Người hâm mộ billiards ở miền Nam những năm trước giải phóng không mấy ai không biết đến dàn hảo thủ lừng lẫy danh tiếng Sài Gòn một thời, như các ông Ba Y, Chín Hóa, Sáu Hồng, Ba Lợi… Ít ai chịu so cơ với nhau vì sợ mất danh tiếng và mỗi người "hùng cứ" một phương ở nội dung sở trường của mình.
Tuyển thủ Lê Phước Lợi tại SEA Games 2003
Trẻ nhất trong số các cơ thủ nổi tiếng ấy, việc Lê Phước Lợi tham gia đội tuyển quốc gia hồi thập niên 90 thực sự là… chuyện lạ dù ai cũng tin, ông hoàn toàn có thể đem về vinh quang cho billiards Việt Nam thời tái hội nhập. Sinh ra ở Cà Mau, mê billiards từ khi còn rất trẻ tại Bạc Liêu và sau này lập gia đình với con gái của một chủ tiệm… billiards nổi tiếng ở Sài Gòn, Lê Phước Lợi gần như cả cuộc đời đều gắn với môn thể thao của những quả bi vàng-trắng-đỏ đầy sức mê hoặc. Chơi tốt ở nhiều thể loại và từng giành chức vô địch quốc gia cả billiards Anh (1999) lẫn carom 3 băng (2000), thế nhưng carom 1 băng mới là thế mạnh của ông Ba Lợi, theo cách gọi của người trong giới.
Góp mặt trong thành phần tuyển Việt Nam dự SEA Games 1997, Lê Phước Lợi thi đấu ở nội dung 1 băng. Ông đánh bại 2 cơ thủ Myanmar và Philippines nhưng đành nhường vé vào chung kết cho tay cơ chủ nhà Indonesia Tan Kiong An khi thua vỏn vẹn 4 điểm, đành chấp nhận tấm HCĐ... Năm 2003, ông đòi được "món nợ" cũ trước chính Tan Kiong An (Indonesia) với tỉ số cách biệt 200/93 ở bán kết rồi vượt qua đồng đội Đặng Đình Tiến ở chung kết sau gần 4 giờ tranh tài. Đây là danh hiệu vô địch SEA Games mà tuyển thủ cao niên nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam giành được, khi đó, ông Lê Phước Lợi đã 63 tuổi.
Phong thái đĩnh đạc của "lão cơ thủ"
Kỷ lục suýt được viết lại khi hai năm sau, Lê Phước Lợi tiếp tục có mặt trong trận chung kết tại kỳ đại hội trên đất Philippines, lần này gặp đồng đội trẻ tuổi Nguyễn Thanh Bình. Không bảo vệ được danh hiệu quán quân, VĐV lão làng này vẫn có quyền tự hào khi ông sưu tập đủ bộ huy chương SEA Games của carom 1 băng.
Giải nghệ rồi chuyển qua làm công tác huấn luyện, Lê Phước Lợi vẫn đeo đuổi niềm đam mê billiards cho đến một ngày đầu năm 2020, một học trò cũ phát hiện ông gần như đổ gục ven đường trong tình cảnh sức khỏe suy sụp, không nơi nương tựa cũng chẳng ai chăm sóc ở tuổi 80 dù ông từng có một gia đình đủ đầy, viên mãn. Một học trò cũ, nay là HLV trưởng đội tuyển quốc gia Nguyễn Việt Hòa lập tức kêu gọi đồng nghiệp quyên góp hỗ trợ và tất bật tìm thuê nhà trọ, kiếm người chăm sóc cho ông. Bạn bè làm bác sĩ đến khám sức khỏe, thuốc thang cho cựu tuyển thủ lão làng này. Bà Trần Hồng Thắm, nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT, nay là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi TP HCM, hứa sẽ liên hệ với tổ chức Hội địa phương để bàn cách trợ giúp còn ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao TP HCM, khi biết chuyện cũng ghi chú ngay vào sổ tay với lời giải thích ngắn gọn: "Tôi sẽ làm hết sức có thể"...
Đồng đội và học trò cũ không quên cựu tuyển thủ 80 tuổi Lê Phước Lợi
HLV Nguyễn Việt Hòa cho biết, vì cám cảnh với chuyện của người thầy cũ nên anh và đồng nghiệp, thân hữu quyết định đứng ra chu toàn tạm thời. Về lâu dài, đây vẫn là việc của gia đình và người thân của ông Ba Lợi. Đây cũng không phải trách nhiệm của ngành thể thao như một vài luồng dư luận xầm xì do không hiểu rõ sự việc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ngành thể thao nên lập một quỹ tương thân tương ái, chính là để hỗ trợ cho những cựu HLV, VĐV trong hoàn cảnh khốn khó về sức khỏe, công ăn việc làm sau khi đã giải nghệ mà trường hợp của lão cơ thủ Lê Phước Lợi là một ví dụ.
Bình luận (0)