Thành danh ở bóng đá nam trong vai trò cầu thủ lẫn huấn luyện viên (HLV) nhưng người ta lại biết nhiều đến Mai Đức Chung với tư cách một trong những nhà cầm quân hay nhất bóng đá nữ Đông Nam Á. Đấu trường châu lục kịp ghi dấu ấn tài năng ông thầy quê Hà Nội trong khi sân chơi World Cup lại càng không thể không ghi nhận vai trò của nhà cầm quân cao tuổi nhất trong lịch sử.
Người viết sử bóng đá Việt
Khởi nghiệp ở đội bóng Xe ca Hà Nội những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Mai Đức Chung dần được người hâm mộ biết đến nhiều hơn trong màu áo đội bóng nổi tiếng Tổng cục Đường sắt. Chuyến du đấu phương Nam trong vai trò "kết nối" bóng đá hai miền Nam - Bắc ở trận gặp Cảng Sài Gòn vào năm 1976 gần như là định mệnh cuộc đời đối với Mai Đức Chung. Tên tuổi chàng cầu thủ tài hoa này từ đấy tỏa sáng trên sân cỏ cả nước, sau đó trên băng ghế kỹ thuật khi chuyển sang vai trò HLV của cả nam lẫn nữ, từ đội bóng các địa phương cho đến khi dẫn dắt tuyển quốc gia.
HLV Mai Đức Chung - vị tướng già để lại nhiều dấu ấn với bóng đá Việt Nam. (Ảnh: TRUNG LINH)
Sự nghiệp cầm quân "độc nhất vô nhị" trải dài gần 40 năm giúp ông Mai Đức Chung có vô vàn trải nghiệm, thể hiện sự bền bỉ khó tin đồng hành suốt một phần chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam. Ở bất cứ đội bóng nào, dấu ấn để lại của thầy Chung chính là thái độ ân cần, tử tế và sự tôn trọng dành cho cầu thủ, sẵn sàng xông pha vào những nơi khó khăn nhất để tìm kiếm giải pháp thành công.
Cơ duyên để ông trở thành HLV trưởng đầu tiên của đội tuyển nữ quốc gia, được thành lập vào năm 1997 và mang về ngay tấm HCĐ SEA Games cùng năm ở chuyến "mang chuông đi đánh xứ người" tận Indonesia. Sau khi cùng các tuyển thủ nữ giành HCV các kỳ SEA Games 2003 và 2005, ông nhận lời dẫn dắt đội U23 nam Việt Nam tham sự cúp Merdeka 2008 và mang về danh hiệu vô địch danh giá ở cấp độ khu vực dành cho bóng đá trẻ.
(Đồ họa: NGUYÊN LÂM)
Tháng 9-2017, tuyển U22 Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games. HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và "ghế nóng" bị bỏ trống. Trong tình cảnh "dầu sôi lửa bỏng", Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mời ông tạm đảm trách vai trò thuyền trưởng cho đến khi tìm được người mới. Không ngần ngại với công việc tạm quyền, ông Chung cùng học trò thắng cả 2 trận gặp đội Campuchia, giành 6 điểm trọn vẹn, vượt qua vòng loại Asian Cup 2019 để thẳng tiến vào vòng chung kết.
Những thành tích quốc nội cùng các đội bóng nam Navibank Sài Gòn và Becamex Bình Dương ở Cúp Quốc gia hay V-League không hẳn đã được nhiều CĐV nhớ đến dù ông chính là người thứ ba - sau các HLV Lê Thụy Hải và Lê Huỳnh Đức - đoạt chức vô địch quốc gia trong cả vai trò cầu thủ lẫn HLV trưởng khi Becamex Bình Dương vô địch V-League mùa bóng 2015.
Vinh danh bóng đá nữ
Ở "nhiệm kỳ" thứ ba từ năm 2016 đến nay, ông Chung cùng các học trò nữ của mình giành chức vô địch 4 kỳ SEA Games liên tiếp (29, 30, 31, 32) để mang về tổng cộng 6 HCV SEA Games (tính thêm các kỳ đại hội 22 và 23), một danh hiệu vô địch AFF Cup 2019, một lần giành hạng tư ASIAD 2014 và giành vé tham dự World Cup 2023. Bảng thành tích đồ sộ này là điều mà ít nhà cầm quân nào ở Việt Nam và khu vực so sánh được.
Năm 2017, lãnh đạo VFF từng phân vân nên thuê HLV ngoại hay tiếp tục mời HLV Mai Đức Chung dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam sau khi FIFA công bố sẽ tăng số đội tham dự vòng chung kết từ 24 lên 32 tại World Cup 2023. VFF sau cùng đã tin tưởng ông Chung và giao phó sứ mệnh "Biến giấc mơ World Cup thành hiện thực" cho nhà cầm quân sắp bước qua tuổi thất thập.
Bóng đá nữ Việt Nam thành công với việc vượt qua vòng loại nhưng ông Chung một lần nữa phân vân trước những khó khăn, thử thách chờ đợi phía trước, khi đội tuyển bước ra sân chơi lớn nhất hành tinh. Từng muốn dừng lại ngay từ sau SEA Games 31, song với sự động viên của VFF cũng như tình cảm dành cho các học trò, ông nhận lời tiếp tục đồng hành với đội bóng.
Tấm HCV SEA Games thứ 6 trong sự nghiệp, vinh dự cầm quân bước ra đấu trường lớn thế giới chính là đặc ân và niềm tự hào đối với HLV Mai Đức Chung. Nhiều lứa cầu thủ đến rồi đi trong 6 năm qua nhưng nhà cầm quân Mai Đức Chung vẫn bền bỉ trở thành chứng nhân cho chuỗi chiến công mang tính lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam.
Tâm tình vị chiến binh lão thành
Gọi ông là "kiến trúc sư" cho thành công của bóng đá nữ Việt Nam hẳn không hề quá lời và đã đến lúc nhà cầm quân nói lời chia tay ở độ tuổi "cổ lai hy". Thành công và vinh quang nhiều nhưng chưa ai thấy HLV Mai Đức Chung can dự vào bất cứ thị phi nào cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Rất nhiều lần được VFF mời làm việc cả với đội tuyển nam, tuyển U23 nam cho đến tuyển nữ, chưa ai từng nghe ông đề cập chuyện lương bổng.
Trận đấu với đội tuyển nữ Nhật Bản chiều 1-11 ở vòng loại Olympic Paris 2024 có thể chính là trận đấu cuối cùng của HLV Mai Đức Chung cùng đội tuyển nữ Việt Nam, khép lại gần 4 thập kỷ bôn ba trong nghiệp huấn luyện đầy ắp vinh quang và dấu mốc lịch sử.
Chuẩn bị lùi về hậu trường vui thú điền viên ngày ngày bên gia đình và con cháu, HLV Mai Đức Chung vẫn đau đáu về vai trò người kế nhiệm và những cầu thủ tương lai của tuyển Việt Nam khi nhiệm vụ ngày càng nặng nề sau cú vươn mình "ra biển lớn".
Ông dùng cả những trận đấu vòng chung kết World Cup, vòng loại Asian Cup lẫn vòng loại Olympic Paris để thử nghiệm các cầu thủ trẻ, tạo cơ hội cọ xát cho những gương mặt tiềm năng. Ông chủ trương sử dụng các cựu binh dày dạn kinh nghiệm đã kinh qua trường lớp đào tạo cơ bản vào vai trò trợ lý HLV đội tuyển, mạnh dạn đề xuất HLV tuyến trẻ Akira Ijiri thay thế vị trí của ông.
Hình ảnh "người tướng già" với những nếp nhăn trên trán xen lẫn vào nhau, cần mẫn đứng chỉ đạo cầu thủ từ bên ngoài đường piste giờ sắp trở thành hoài niệm. Ông chỉ mong luôn được mạnh khỏe và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ trở lại đội tuyển "từ xa" bằng chính kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình về bóng đá nữ khu vực cũng như châu lục.
Cảm ơn ông, vì tất cả những gì đã làm cho bóng đá Việt Nam!
Bình luận (0)