Tối 11-3, HLV Park Hang-seo cùng một số học trò ở đội tuyển U23 Việt Nam sẽ tham dự lễ trao giải thưởng Fair-Play 2018 do Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (TP HCM). Trong một năm bóng đá Việt Nam giành được nhiều chiến tích, bên cạnh những hình ảnh bóng đá đẹp vẫn tiềm ẩn nạn bạo lực sân cỏ, đe dọa đến chính những người được đề cử giải thưởng này…
Cái đẹp được tôn vinh
Từ rất nhiều đề cử gửi về Ban Tổ chức Giải thưởng Fair-Play 2018, 5 sự kiện tiêu biểu nhất đã được chọn ra để vinh danh. Khá trùng hợp khi cả 5 đề cử lọt vào vòng trao thưởng đều liên quan đến các học trò của HLV Park Hang-seo. Đó là hành động các cầu thủ thuộc biên chế HAGL gạt tuyết trắng Thường Châu để tiền vệ Nguyễn Quang Hải của Hà Nội FC có cú sút phạt siêu phẩm thành bàn ở trận chung kết giải U23 châu Á 2018; là hình ảnh Đỗ Duy Mạnh cắm cờ Tổ quốc sau trận đấu với Uzbekistan hay Nguyễn Quang Hải cùng Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh... dự chương trình "Điều ước thứ 7" dành cho một CĐV nhí bị ung thư (bé Tôm)...
Cũng giống với những giải Fair-Play được trao thưởng trước đây, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chứng kiến rất nhiều hành động cao thượng đến từ những tài năng bóng đá trẻ HAGL và các "lò" đào tạo bóng đá khác. Theo chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh, trong 5 đề cử Fair-Play ở mùa giải này, ông thấy cá nhân hoặc tập thể nào cũng có thể nhận giải cao nhất. Sự cao thượng của bóng đá lột tả đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người chơi cả trên sân cỏ, từ hành động ngăn cản hành vi khán giả quá khích của tiền đạo Nguyễn Anh Đức, nghĩa tình đồng đội tuyển Việt Nam đối với Nguyễn Văn Toàn (bị chấn thương), các cầu thủ cào tuyết cho Quang Hải sút phạt, cho đến Duy Mạnh cắm cờ trên tuyết hay các cầu thủ thăm hỏi bé Tôm đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng.
Hình ảnh các cầu thủ U23 Việt Nam ở Thường Châu được đề cử giải Fair-PlayẢnh: Hải Anh
Năm 2017, người hâm mộ từng rất xúc động khi chứng kiến cầu thủ Nguyễn Văn Toàn của HAGL trao toàn bộ số tiền 50 triệu đồng mà anh được nhận từ giải thưởng Fair-Play cho nữ cầu thủ Thùy Trang - người có hoàn cảnh đặc biệt khi đang chữa trị bệnh ung thư cho mẹ. Thùy Trang cũng là người được trao giải nhưng hành động ý nghĩa của Văn Toàn khiến cô thực sự xúc động.
Cần nhân rộng ứng xử văn minh
Theo ông Dương Vũ Lâm, nguyên trưởng đoàn đội tuyển U23 Việt Nam giành HCB U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam thời gian qua có những sự chuyển biến trong cách ứng xử văn hóa trên sân bóng. "Điều đó giống như một sự ghi nhận cái đẹp, giúp các thành viên tham gia vào bóng đá chiêm nghiệm, lắng đọng để có lối ứng xử chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hành động, ứng xử trong bóng đá Việt Nam chưa thật chuẩn mực, vì vậy rất cần phải nhân rộng nhiều hơn nữa giải thưởng Fair-Play để các cầu thủ, người làm bóng đá nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm" - ông Lâm nói.
Không đâu xa, trong 3 vòng đấu đầu tiên của V-League 2019, người hâm mộ bóng đá Việt Nam rất bức xúc với lối đá thô bạo của trung vệ Quế Ngọc Hải (Viettel). Từng là đội trưởng tuyển Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2018 và Asian Cup 2019, Quế Ngọc Hải nổi bật trong vai trò một lá chắn ở hàng thủ thi đấu bản lĩnh, chắc chắn và tạo được niềm tin lớn từ HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, khi thi đấu trong màu áo CLB, Quế Ngọc Hải lại đá rất "rắn", có nhiều tình huống truy cản bị người hâm mộ lên án. Anh đã phải nhận thẻ đỏ ngay ở trận mở màn V-League hay sau đó là pha vào bóng khiến chân của cầu thủ Văn Kiên đổ máu ở vòng 3.
Chính vì vậy, người hâm mộ hy vọng bên cạnh những án phạt nặng để răn đe các hành vi bạo lực trên sân cỏ, cần nêu cao giải thưởng bóng đá cao thượng để nhân rộng lối chơi văn minh cho nền bóng đá nước nhà.
Bình luận (0)