Sân tập đông, mỗi đứa trẻ xếp hàng chờ đến lượt mình đánh, đỡ vài đường bóng rồi quay lại xếp hàng ngay. Sau 2-3 lượt như thế, Martina Navratilova để ý đến tôi - một cô bé chân tay dài ngoằng, lại sử dụng mặt vợt khá to, trông ngồ ngộ.
"Tài năng thiên phú"
Tôi đánh, đỡ bóng với sự tập trung cao độ và hiệu quả trước sự chứng kiến của Martina. Bà mời cha tôi đến rìa sân, nói chuyện qua người phiên dịch mà sau này tôi nghe kể loáng thoáng rằng "con gái ông có tài năng thiên phú, cần được theo học ở nước ngoài, Mỹ chẳng hạn, để phát triển hết năng lực".
Quay về Sochi, cha mẹ bàn cách cho tôi xuất ngoại. Với hiểu biết rất chừng mực của mình về quần vợt Mỹ, cùng với sự trợ giúp của vài tờ tạp chí chuyên ngành, cha chọn điểm đến là Florida. Đây là nơi có 2 học viện quần vợt tên tuổi: Một là "lò" Rick Macci ở Boca Raton, nơi 2 chị em nhà Williams đã theo học; một là Học viện Nick Bollettieri ở Brandenton mà đàn chị đồng hương Anna Kournikova từng thọ giáo.
Sharapova và Nick Bollettieri trong lần gặp nhau năm 2011 Ảnh: Tennis.com
Ngày nay, chuyện đi Mỹ dễ như trở bàn tay, chỉ cần một visa du lịch, gọi đến hãng hàng không đặt vé là xong. Nhưng ở đầu thập niên 1990, khi Liên Xô vừa tan rã, không dễ để kiếm một việc làm chứ chưa nói đến chuyện đi làm và bảo bọc gia đình. Ngay cả khi có tiền, bạn cũng không dễ xin thị thực xuất cảnh đi Mỹ, vốn chỉ dành cho những công chức chính quyền đi giao thương.
"Cái khó ló cái khôn", cha tôi viết thư cho HLV đội tuyển trẻ thuộc Liên đoàn Quần vợt Nga, trình bày sự việc. Ông hy vọng với sự tiến cử từ Yuri Yudkin cũng như Martina Navratilova, liên đoàn sẽ tài trợ cho trường hợp của tôi. May mắn làm sao khi đội tuyển trẻ Nga chuẩn bị đi tập huấn ở Florida và vị HLV này đã viết thư mời chúng tôi đến thăm, cùng làm việc với đội.
Cha tôi lập tức đến Đại sứ quán Mỹ ở Moscow để xin thị thực, cầm theo lá thư mời kể trên. Chúng tôi được cấp thị thực có thời hạn 3 năm. Mẹ phải ở lại nhưng không quá lo lắng vì biết rõ cha chăm tôi rất kỹ. Bà chỉ hơi buồn vì cảnh gia đình chia ly và tôi thì còn quá bé, mới 6 tuổi.
Những ngày đầu ở xứ sở xa lạ
Cha chạy vạy vay mượn khắp nơi, kể cả số tiền tích lũy nhiều năm, được độ 700 USD, cho chuyến đi xa tận bên kia bờ đại dương. Chuyến bay thẳng từ Moscow đưa chúng tôi đến Miami lúc 2-3 giờ.
Giữa màn đêm, cha con tôi đứng bên lề đường, chờ đợi mỏi mòn chiếc xe mà vị HLV tuyển trẻ giao đến đón chúng tôi. Cha động viên tôi đừng lo lắng nhưng tôi biết tay ông run run trong túi áo khoác. Không rành một câu chữ tiếng Anh nào, chẳng quen biết ai nơi xứ sở xa lạ này. May mắn, một chiếc xe trờ tới, trên đó có đôi vợ chồng người Nga mà cha tôi trò chuyện rất thân tình trong suốt chuyến bay. Họ cho cha con chúng tôi nghỉ nhờ trong một căn phòng khách sạn ở Miami Beach và khi trời còn chưa sáng, cha tôi đã thức giấc từ lâu.
Sharapova tại Học viện Bollettieri
Mất một ngày vất vả nhưng chẳng được việc gì ở Học viện Rick Macci, cha quyết định đưa tôi đến Bradenton phía Tây Florida, nơi có Học viện Bollettieri và là nơi đang chờ đón chúng tôi với một người phiên dịch tiếng Nga. Tôi lập tức được đưa ra sân tập cùng với những cô bé người Mỹ lớn hơn mình khoảng 2 tuổi. Họ cười và chỉ trỏ, bàn tán khi thấy tôi nhưng tôi phớt lờ, chú tâm vào các bài tập với bóng được yêu cầu thực hiện. Biết sao được, họ toàn con cái nhà giàu, tập quần vợt với học phí cao hơn cả trường trung học, ra sân với toàn quần áo, giày vớ, vợt hàng hiệu. Còn tôi, có mỗi bộ đồ tập, một cây vợt quá khổ và đôi giày xấu xí sản xuất ở Minsk.
Vị HLV lập tức nhận thấy khả năng của tôi. Ông kéo tôi sang một sân khác để cùng tập khoảng 4-5 phút. Sau đó, ông rút điện thoại, gọi ngay cho Nick Bollettieri và đề nghị vị giám đốc này xuống sân tập. Nick lớn lên ở New York, nơi bóng rổ rất được ưa chuộng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập quân ngũ và chuyển đến Florida. Ông muốn trở thành một luật sư nhưng lại bỏ dở chương trình đại học và chọn chơi quần vợt. Vừa chơi vừa chỉ bảo lại cho vài người bạn, Nick nhận ra ông có khiếu giảng dạy. Soạn giáo án, dành dụm tiền bạc, đầu tư khắp nơi để sau cùng, ông mở trường dạy mang tên mình.
Tương lai rộng mở
Nhiều tên tuổi thời thượng bấy giờ đều xuất thân từ "lò" của Nick - như Andre Agassi, Jim Courier, Kournikova, Monica Seles hay Mary Pierce - giúp ông thầy này trở thành một huyền thoại của làng banh nỉ. Nick không trực tiếp xem tôi tập hôm đó, chỉ đứng phía trong và quan sát những gì vị HLV và tôi tập luyện.
Sau đó, Nick yêu cầu gặp cha tôi và một thỏa thuận nhanh chóng được thông qua. Học viên của ông ít nhất cũng phải 10 tuổi nhưng cô bé lên 6 là tôi lại được đặc cách. Tôi được tập mỗi ngày, không có bất cứ khoản phí tổn nào, như một hình thức cấp học bổng. Tôi và cha còn được dùng bữa trưa và tối tại nhà ăn, thậm chí còn được giúp tìm kiếm nơi ở.
Tương lai thực sự mở ra trước mắt tôi.
Kỳ tới: Trưởng thành nơi đất khách
Bình luận (0)