Nhưng đó chưa là tất cả những gì mà Daniel Nguyễn đã, đang và sẽ đem lại cho quần vợt Việt Nam...
Con đường gian truân
Daniel Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Mỹ vì vậy anh đến với quần vợt bằng một con đường: Gia đình đầu tư 100% kinh phí. Điều kiện có giới hạn, lại không có bất kỳ nhà tài trợ nào nên con đường quần vợt chuyên nghiệp của Daniel là tự lập, đơn độc khi bên anh chưa bao giờ có được một HLV cho riêng mình. Ngay cả những năm tháng thi đấu cho trường trung học, gia đình anh cũng phải chịu mọi chi phí, nhà trường chỉ giúp về mặt thủ tục. Chỉ đến khi Daniel theo học 4 năm ngành truyền thông tại Đại học Southern California (USC), Daniel mới được cấp học bổng khi giúp trường 4 năm liền vô địch ở giải thể thao các trường đại học Mỹ và nhận luôn danh hiệu vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất.
Ngoài ra, Daniel đã giành được 7 danh hiệu đơn và 5 danh hiệu đôi tại các giải trong hệ thống Men’s Futures của ATP. Ngày 13-7-2015, Daniel đạt thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp với vị trí 189. Ba tháng sau, anh đã đến Việt Nam thi đấu giải Challenger ở CLB Lan Anh (TP HCM) và ông Nguyễn Quốc Kỳ, khi đó là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VTF (hiện nay là Chủ tịch VTF), rất muốn hoàn thành thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho Daniel để anh có thể thi đấu cho đội tuyển Việt Nam ở các giải quốc tế nhưng do các bên không đạt được thỏa thuận nên Daniel không thể thi đấu cho Việt Nam.
Daniel Nguyễn trong trận bán kết thắng Lý Hoàng Nam Ảnh: Diên Vỹ
Hải Đăng: Bến đỗ mới?
Chấn thương đã khiến cho Daniel không thể thi đấu và rớt hạng tự do. Đến khi thi đấu trở lại, theo luật, Daniel được 9 suất tham dự Challenger để lấy lại thứ hạng và Daniel đã trở lại Việt Nam thi đấu ở Đà Nẵng hồi đầu năm 2019. Từ đây, Daniel đã bắt đầu có mối quan hệ với Hải Đăng (Tây Ninh), một trung tâm quần vợt mới nổi lên của Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Daniel cho biết sau giải ở Đà Nẵng, anh đến Tây Ninh và tìm hiểu mô hình hoạt động của Trung tâm Quần vợt Hải Đăng. Ngay lập tức, Daniel đã có ấn tượng tốt về cơ sở vật chất cũng như tập thể nơi đây, từ đội ngũ HLV cho đến các VĐV. Tại CLB Hải Đăng, anh muốn gửi lời cảm ơn đến HLV thể lực Feruk Celikel bởi chấn thương ở vai và khuỷu tay của anh đã giảm dần nhiều nhờ những buổi tập luyện và hồi phục của HLV Celikel.
Khi được biết Tây Ninh tổ chức VTF Master 500 lần 1 vào đầu tháng 3-2019 và Hải Đăng là nhà tài trợ chính đồng thời điều lệ giải cho phép các tay vợt Việt kiều thi đấu, Daniel ngỏ lời muốn thi đấu cho Hải Đăng để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những giải Challenger mà Daniel sẽ tham gia thi đấu ở Mỹ và Trung Quốc sau VTF Master 500. Ông Nguyễn Phi Anh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Quần vợt Hải Đăng, cho biết quan điểm của ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hải Đăng, là mong muốn đội ngũ VĐV Hải Đăng sẽ học được phong cách tập luyện, thi đấu cùng cách sống tự lập của một tay vợt chuyên nghiệp. Trước mắt là tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam và cũng là người con của Tây Ninh chắc chắn đã học và sẽ rút được không ít kinh nghiệm sau trận thua trước Daniel.
Hấp dẫn trận tranh "ngôi hậu"
Cặp đôi Daniel Nguyễn và Trịnh Linh Giang của đơn vị Hải Đăng đã lên ngôi vô địch nội dung đánh đôi Giải Quần vợt VTF Masters 500 lần 1-2019 khi giành chiến thắng với tỉ số 6-2, 6-4 trong trận chung kết trước Lê Quốc Khánh - Phạm Minh Tuấn hôm 9-3.
Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn cũng sẽ trực tiếp đối đầu Trịnh Linh Giang trong trận chung kết đơn diễn ra ngày 10-3. Trước đó, hạt giống số 2 Linh Giang đã vượt qua Nguyễn Đắc Tiến ở bán kết với tỉ số 7-5, 4-6 và 7-5.
Cùng ngày 10-3, hạt giống số 1 Phan Thị Thanh Bình (Đà Nẵng) và hạt giống số 2 Trần Thụy Thanh Trúc (Hưng Thịnh TP HCM) sẽ tranh "ngôi hậu" trong trận chung kết đơn nữ Giải VTF Masters 500.
T.Phước
Bình luận (0)