Gần như cả châu Á nín thở dõi theo cuộc tranh tài ở cự ly hấp dẫn bậc nhất 100 m nam đêm 26-8 và tất cả đều thở phào khi Su Bing-tian (Trung Quốc) về đích đầu tiên với 8% giây nhanh hơn so với chân chạy da màu Tosin Ogunode, người đang khoác áo tuyển Qatar dù sinh ra và lớn lên ở Nigeria. Cuộc tranh tài còn đáng nhớ hơn khi Tosin Ogunode chính là em ruột của Femi Ogunode, người từng đánh bại… Su Bing-tian để giành HCV cự ly 100 m nam tại ASIAD 17 được tổ chức cách đây 4 năm ở Incheon - Hàn Quốc. Đó là chưa kể, Femi Ogunode hiện cùng với Su Bing-tian nắm giữ kỷ lục châu Á 9 giây 91 trên đường chạy tốc độ này.
Không giữ lại nổi HCV của anh trai cho đoàn thể thao Qatar nhưng thành tích về nhì của Tosin Ogunode như một hồi chuông nhắc nhở các quốc gia lục địa da vàng về sự đổ bộ ngày một nhiều của lực lượng VĐV châu Phi tại Giải Vô địch châu Á lẫn Á vận hội. Trước Tosin, 2 đồng hương Nigeria khác là Edidiong Odiong và Salwa Naser đã thay nhau mang về HCV 100 m nữ và 400 m nữ cho Bahrain. Nhà vô địch thế giới gốc Kenya Rose Chelimo đã "đốt nóng" các tuyến phố ở Jakarta khi giành chức vô địch HCV ở nội dung marathon nữ, còn Chami Hassan (gốc Morocco) mang về HCV thứ tư cho Bahrain ở cự ly 10.000 m nam.
Quách Thị Lan (trái) xếp nhì cự ly 400 m rào nữ tối 27-8; HCV và HCĐ đều thuộc về 2 VĐV Bahrain gốc châu Phi Ảnh: REUTERS
Hassan Abdadelah, chân chạy gốc Sudan, giành HCV 400 m nam trong khi Ashraf Elseify (gốc Ai Cập) giành chiến thắng ở môn ném búa nam, mang về cho Qatar 2 HCV đầu tiên kể từ khi đại hội khởi tranh. 6/15 bộ huy chương vàng điền kinh được phát ra trong 2 ngày thi đấu đầu tiên tại ASIAD 18 có chủ nhân là các VĐV gốc châu Phi, ghi nhận một thực trạng đáng báo động đối với điền kinh châu Á.
Wei Ji-zhong, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc và là Phó Chủ tịch danh dự trọn đời của Ủy ban Olympic châu Á (OCA), cho rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của các VĐV châu Phi như "một con dao hai lưỡi" và khuyến cáo OCA cần nhanh chóng hành động để ngăn trào lưu "mua sắm" VĐV ngoại nhằm tìm kiếm thành tích một cách nhanh nhất thay vì tổ chức đào tạo, huấn luyện tài năng trong nước theo hướng căn cơ, lâu dài.
Câu hỏi vì sao hàng trăm VĐV châu Phi mỗi năm lại xếp hàng dài chờ xin nhập tịch (tất nhiên, chỉ những ai xuất sắc nhất mới được đáp ứng nguyện vọng) để chiến đấu cho màu cờ sắc áo của một quốc gia ở châu lục khác không khó để có câu trả lời: Tiền! Mức lương hằng tháng cỡ 1.000 USD mà một VĐV ở mức trung bình khá có gốc châu Phi được nhận chính là yếu tố bảo đảm một cuộc đổi đời cho chính họ và gia đình. Đó là chưa kể nếu chấp nhận ở lại trong nước, họ gần như không có cơ hội chen chân vào đội tuyển quốc gia, nơi chỉ có các VĐV hàng "sao" ngự trị.
Gần như toàn bộ lực lượng VĐV điền kinh của Bahrain tham dự ASIAD 2018 đều có gốc Kenya, Ethiopia, thậm chí đến từ Jamaica, Morocco và Nigeria…
Cũng như Qatar, UAE hay Ả Rập Saudi, Bahrain chấp nhận chi tiền để nhập khẩu các VĐV tài năng. Giai đoạn 2012-2016, đã có tới 18 VĐV Kenya và 17 VĐV Ethiopia đổi quốc tịch để đại diện Bahrain tham dự các giải vô địch thế giới hay Olympic.
Nhập tịch vài tháng rồi giành HCV
Tại ASIAD 2010 tổ chức ở Quảng Châu - Trung Quốc, cả 6 VĐV giành huy chương ở 2 cự ly chạy dài 5.000 m và 10.000 m nam đều được sinh ra ở châu Phi và chỉ được nhập tịch ít tháng trước giờ lên đường tranh tài. Các VĐV gốc Phi đã và đang làm thay đổi diện mạo bản đồ điền kinh lục địa da vàng, theo hướng tích cực hay tiêu cực còn tùy quan điểm của từng quốc gia tiếp nhận. Rose Chelimo được xem là "VĐV châu Á đầu tiên" giành HCV marathon ở Giải Vô địch thế giới 2016. Tương tự, Naser Salwa là "VĐV châu Á đầu tiên" có huy chương thế giới ở cự ly 400 m nữ, Hassan Abdadelah là VĐV trẻ nhất giành huy chương 400 m nam ở giải vô địch thế giới trong nhà…
Bình luận (0)