Việc chuyển giao quyền quản lý đội bóng cho Quỹ Từ thiện Chelsea vài ngày trước bất thành và vị tỉ phú người Nga buộc phải đi nước cờ sau cùng khi rao bán đội bóng bằng thông báo dài 227 từ đăng tải trên trang chủ của CLB rạng sáng 3-3.
Những người hiểu chuyện thì cho rằng Chelsea lẽ ra đã bị Abramovich chuyển nhượng từ năm 2018, thời điểm nổ ra vụ căng thẳng ngoại giao Anh - Nga mà một trong những hệ lụy của nó là nhà tài phiệt tầm cỡ với khối tài sản ròng lên đến 10 tỉ bảng như Abramovich khi đó đã bị cơ quan nội vụ Anh làm khó dễ việc xin cấp visa nhập cảnh. Abramovich sau đó đã phải tìm cách nhập tịch Israel để duy trì quyền lui tới sân Stamford Bridge, thỉnh thoảng xem đội bóng dưới quyền mình thi đấu.
Sự ra đi của Roman Abramovich ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của Chelsea (Ảnh: REUTERS)
Bỏ ra 140 triệu bảng để mua lại đội bóng từ năm 2003, Roman Abramovich đã rót khoảng 1,6 tỉ bảng để mua sắm cầu thủ đồng thời chiêu mộ trước sau tổng cộng 15 nhiệm kỳ HLV, biến một Chelsea từ CLB tầm trung trở thành một thế lực mới của làng cầu Anh lẫn cựu lục địa.
Roman Abramovich rời đi chỉ còn là câu chuyện của thời gian và câu hỏi được đặt ra là liệu các ông chủ mới có "chịu chơi" như vị tỉ phú người Nga để duy trì thời hoàng kim của Chelsea thêm nhiều năm nữa? Đừng quên bên cạnh việc rao giá bán Chelsea 3 tỉ bảng, Abramovich cũng đã tự tay xóa khoản nợ ước lên đến 1,5 tỉ bảng mà đội bóng này vay từ ông.
Việc Abramovich ủy thác cho ngân hàng Mỹ Raine xử lý vụ mua bán đội bóng và bản thân ông cũng nhắm tới các đối tác đầu tư người Mỹ khiến người hâm mộ lo sợ về một "cơn ác mộng" kiểu Man United. Gia đình Glazer tận dụng khoản nợ của "Quỷ đỏ" để mua lại đội bóng này vào năm 2005 và kể từ đó, Man United không còn là thế lực thống trị bóng đá Anh. Các ông chủ người Mỹ của Man United bị cho là thiếu đầu tư khôn ngoan trong khi thành tích của đội không hề được cải thiện, ngày càng yếu thế trong cuộc đua trở lại ngôi vua nước Anh, chứ đừng nói đến mơ về Champions League.
Bất kể ai trong số 4 chủ nhân tương lai của Chelsea, được cho là bao gồm doanh nhân 86 tuổi người Thụy Sĩ Hansjorg Wyss; Sir Jim Ratcliffe, người giàu nhất Vương quốc Anh năm 2018; nhà tài phiệt Mỹ Todd Boehly và Stephen Ross, ông trùm bất động sản Mỹ, đều phải đối mặt với vấn đề tái thiết Chelsea.
Chỉ riêng việc xây mới sân Stamford Bridge sức chứa trên 60.000 chỗ ngồi sẽ "ngốn" cỡ 2,2 tỉ bảng, chưa kể doanh thu của Chelsea ngày càng kém so với các đối thủ trong nhóm "big six" dù thành tích nhiều hơn bên cạnh việc duy trì ngân sách "khủng" để nuôi đội bóng bao gồm cả 2 bản hợp đồng thủ môn đắt giá nhất thế giới (Kepa Arrizabalaga) và cầu thủ đắt giá nhất Ngoại hạng Anh (Romelu Lukaku).
Nếu như trong khoảng 97 năm tồn tại trước đó, Chelsea chỉ mang về vỏn vẹn 15 danh hiệu mà nổi bật nhất chỉ là chiếc Cúp C2 châu Âu (UEFA Cup Winners’ Cup) thì ở "kỷ nguyên Abramovich", Chelsea giành đến 21 chiếc cúp danh giá.
Trong số này, đáng kể nhất phải kể đến 5 danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh, 2 Champions League, 2 Europa League, 1 Siêu cúp châu Âu, 1 World Cup các CLB bên cạnh 5 FA Cup, 3 Cúp Liên đoàn Anh và 2 Siêu Cúp Anh.
Bình luận (0)