Lần thứ nhì quay trở lại châu Á, vòng chung kết World Cup 2022 vốn đã rất nổi tiếng vì là giải đấu "có một không hai" diễn ra vào mùa đông, giờ đây càng được chú ý khi trở thành sàn diễn của rất nhiều màn đọ sức nảy lửa, những cuộc lật đổ không tưởng. Tất nhiên, đấy là chuyện của vòng bảng, còn giai đoạn knock-out lại là chuyện khác hẳn khi cuộc chơi chuyển sang thể thức tranh tài kiểu đấu cúp. Bất kỳ đội bóng nào cũng có thể ăn mừng chiến thắng, hay rơi xuống tận cùng của sự thất vọng chỉ với một cú sẩy chân. Người ta trông chờ những màn lật đổ tương tự vòng bảng, nhưng thực tế ra sao?
Rõ ràng, khi cuộc chơi bước vào giai đoạn cao trào mà các yếu tố bản lĩnh hay kinh nghiệm thi đấu được đề cao, sẽ chẳng có chỗ cho bất ngờ hay nói đúng hơn, trật tự sẽ được lập lại qua giai đoạn sàng lọc ban đầu. Anh, Pháp vượt qua Senegal cũng như Ba Lan không quá khó khăn, hay vất vả hơn một chút nhưng vẫn cán đích một cách suôn sẻ chính là màn trình diễn của các "ông lớn" Hà Lan, Argentina, hai đội bóng có đến 6 lần lọt vào đến trận chung kết World Cup.
Lực lượng Argentina đủ chiều sâu cho chiến dịch chinh phục World Cup (Ảnh: REUTERS)
Những màn đại chiến vòng 1/8 chỉ thực sự cuốn hút người xem khi 2 đại diện châu Á ra quân dù chung cuộc cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều bại trận theo những cách khác nhau.
Nhật Bản nhập cuộc với tâm thế "kèo trên" trước Croatia dù biết đây là một thử nghiệm đầy mạo hiểm. Các chiến binh "Samurai xanh" ghi bàn và buộc Croatia rượt đuổi để rồi trong cảnh hơi tàn, lực kiệt và tâm lý sa sút sau 120 phút so tài, họ sút hỏng đến 3 quả luân lưu 11 m, dâng chiến thắng cho đội á quân thế giới.
Không có một trung phong giỏi để chuyển hóa các cơ hội và việc sút thực hiện các pha 11 m không hiểm lẫn thiếu sức mạnh khiến Nhật Bản lần thứ 4 dừng bước trước ngưỡng cửa tứ kết.
Hàn Quốc là một ví dụ khác khi đoàn quân "Những chiến binh Daeguk" đang hừng hực khí thế phải nhận ngay đến 4 gáo nước lạnh từ Brazil, an bài luôn màn thư hùng ngỡ rất hấp dẫn ngay sau phút 36. Ấp ủ tham vọng trở lại đỉnh cao như 20 năm trước ở giải đấu trên sân nhà, tất cả tan biến quá nhanh với Son Heung-min và đồng đội khi cuộc chơi hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của đoàn quân áo vàng - xanh. Lẽ ra, với nền thể lực không sung sức như Brazil sau khi trải qua chiến thắng căng thẳng trước Bồ Đào Nha ở lượt cuối vòng bảng, Hàn Quốc nên nhập cuộc thận trọng hơn để tránh bị cuốn vào lối chơi nhanh của đội 5 lần vô địch thế giới.
Vậy phải chờ đợi gì từ tứ kết, nơi hứa hẹn những màn "long tranh hổ đấu" giữa các thế lực hàng đầu hiện nay? Không ai yếu hơn ai giữa Hà Lan và Argentina, cặp đấu nhiều khả năng kết quả sẽ được định đoạt bởi các ngôi sao ở hai đầu chiến tuyến, tiền đạo siêu hạng Lionel Messi và trung vệ thép Van Dijk. Pháp nhỉnh hơn về nhiều phương diện so với tuyển Anh nhưng nếu HLV G.Southgate chọn đội hình hợp lý và các ngôi sao trẻ bùng nổ, "Tam sư" đủ sức biến "Gà Gaulois" thành cựu vô địch.
Brazil quá mạnh và có hàng tấn công sắc bén. Tuy nhiên, Croatia sẽ là đối thủ châu Âu khó chịu nhất của họ kể từ đầu giải bởi độ quái của các trụ cột.
Bình luận (0)