Sau khi thủ môn Quang Tuấn thi đấu không tốt ở vòng bảng, HLV Phạm Minh Đức đặt niềm tin vào thủ môn số 2 là Hoàng Văn Hùng. Thế nhưng, Văn Hùng cũng chẳng khá hơn Quang Tuấn khi mắc sai lầm dẫn đến việc hàng thủ U21 Việt Nam ba lần bị người Thái sút tung lưới, giành luôn vé vào chung kết Giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên - Cúp Clear Men 2016.
Lý giải về việc không sử dụng thủ môn Bùi Tiến Dũng, HLV Phạm Minh Đức cho biết thủ môn trẻ của U19 Việt Nam đang dính chấn thương nên không đăng ký ra sân. Trong khi đó, Quang Tuấn thi đấu không chắc chắn, mắc lỗi đấm bóng trượt tạo điều kiện cho U21 Myanmar gỡ hòa 1-1 ở những giây cuối khiến thủ môn này bị tâm lý nên cũng chơi không tốt khi gặp U21 Nhật Bản (thua 0-1).
Riêng giải pháp đưa Văn Hùng bắt thay Quang Tuấn ở trận bán kết đã thất bại khi Thái Lan nhận ra sự non nớt của thủ môn này nên liên tục sút xa, tấn công bóng bổng khiến hàng thủ tuyển Việt Nam càng đá càng lúng túng. Chứng kiến màn trình diễn của các thủ môn U21 Việt Nam và bên cạnh đó là thủ môn Văn Trường của U21 HAGL, nhiều người hâm mộ cảm thấy lo lắng cho những người được kỳ vọng tương lai sẽ trấn giữ khung gỗ của U23 rồi tuyển quốc gia.
Hai mươi năm qua, trừ Quả bóng vàng 2008 Dương Hồng Sơn, chưa bao giờ các thủ môn nội chứng tỏ được sự chắc chắn ở các giải đấu mang tính trọng điểm. Từ Minh Quang, Tiến Anh của “thế hệ vàng”, rồi sau này là những Vĩnh Lợi, Quang Huy và nhất là Bùi Tấn Trường, rất nhiều sai lầm khó hiểu diễn ra trong các trận chung kết Tiger Cup, AFF Cup và SEA Games. Ngay cả thời điểm này, thủ thành số 1 tuyển Việt Nam là Trần Nguyên Mạnh cũng có những sai sót để đời trong cả 2 kỳ AFF Cup gần nhất. Người dự bị thứ 2 sau Nguyên Mạnh ở đội tuyển là Tuấn Linh cũng chẳng khá hơn, thường xuyên mắc sai lầm trong mùa giải 2016. Tại cấp độ thấp hơn, U19 Việt Nam năm 2014 từng mất mục tiêu World Cup vì thủ thành Lê Văn Trường, còn ở U23 là Văn Tiến…
Từ trước đến nay, các CLB thường có xu hướng coi nhẹ vị trí thủ môn. Gần như không có đội bóng nào chủ động đào tạo người trấn giữ khung thành ngay từ đầu. Thay vào đó, trong quá trình luyện tập, thi đấu, ai có năng khiếu bắt gôn nhất sẽ được lựa chọn. Quá trình lựa chọn thủ môn cũng diễn ra rất muộn. Thường thì phải tới khi các cầu thủ 15, 16 tuổi mới bắt đầu được chọn. Sở dĩ có cách làm phản khoa học này vì lo ngại về chiều cao. Chỉ tới khi một thủ môn đạt đến chiều cao tối thiểu 1,75 m trở lên thì các HLV mới thật sự chú trọng đi sâu vào chuyên môn.
Thường thì có một bài kiểm tra rất hiệu nghiệm với chuyên môn của các thủ môn. Nếu nền tảng tốt thì càng vào những trận đấu lớn sẽ thể hiện những điểm mạnh của mình. Ngược lại, nếu trình độ có hạn thì dù phong độ có tốt đến đâu khi gặp sức ép là điểm yếu đều lộ ra. Nói cách khác, những thủ môn hay bị tâm lý trong các trận đấu quan trọng thường là kém về chuyên môn hoặc không được đào tạo bài bản.
Giải U21 chia tay lứa Công Phượng
Sau ba năm làm sôi động các khán đài của giải U21 quốc tế, đã đến lúc lứa U21 HAGL gồm Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Sơn... sẽ phải nói lời chia tay giải đấu trẻ bằng trận tranh hạng ba gặp U21 Việt Nam vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 27-12 trên sân Thống Nhất (VTV6). Ở trận chung kết diễn ra lúc 18 giờ 30 phút, U21 Yokohama gặp U21 Thái Lan.
Bình luận (0)