1. Vụ Cao Ngọc Phương Trinh và Trần Vũ Hiếu Hạnh bị gia đình VĐV judo tố cáo vòi vĩnh quà cáp. 2. Gia đình tay vợt trẻ Lưu Khải Khiêm phản ứng về việc các HLV bóng bàn o ép. Trắng đen vẫn chưa thật rõ ràng, nhưng điều thấy rõ nhất là việc đào tạo VĐV trẻ của thể thao TP.HCM có những lỗ hổng đáng ngại...
Bất lợi cho Trinh và Hạnh
Hôm qua 17-1, Liên đoàn Võ thuật TP.HCM đã tổ chức buổi đối chất giữa gia đình hai võ sĩ Nguyễn Hải Sơn, Trần Vũ Minh Tâm -những người tố cáo HLV Cao Ngọc Phương Trinh và Trần Vũ Hiếu Hạnh nhũng nhiễu họ.
Gia đình hai VĐV kể trên đã khẳng định họ bị HLV Hạnh vòi vĩnh quà cáp, tiền bạc và đổi lại là sự hứa hẹn nâng đỡ con em mình. Cụ thể, bà Hạnh (phụ huynh của Sơn) tiếp tục khẳng định HLV Hiếu Hạnh từng nhận 2,5 triệu đồng để lo cho con mình vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ và mượn không hoàn lại 5,5 triệu đồng để mua điện thoại Nokia 8250 (thời điểm năm 2002); còn Trinh thì nhận chiếc đồng hồ hiệu Movado giá 6 triệu đồng.
Cả hai HLV này vẫn phủ nhận như trong bản tường trình gửi liên đoàn, và Hạnh khẳng định chưa bao giờ đến nhà các vị phụ huynh này, cũng như họ cũng chưa bao giờ đến nhà mình. Đồng thời Trinh còn khẳng định chưa bao giờ có đồng hồ hiệu Movado. Tuy nhiên, bà Hạnh đã chứng minh rằng những gì Hiếu Hạnh nói là không trung thực, khi vanh vách kể từng chi tiết trong nhà cô giáo viên Trường Minh Khai này, và chính Sơn - con trai bà - đã chở cô Hạnh đi mua điện thoại bằng tiền của mình.
Mọi chuyện cứ cù nhầy theo chiều hướng bên bảo có người bảo không, cho đến khi một võ sư judo khác xuất hiện, đó là ông Đinh Cường - cựu HLV đội tuyển judo TP.HCM (thời điểm năm 2002). Ông Cường kể rằng Phương Trinh đã có khoe đồng hồ xịn hiệu Movado, do "bạn em ở nước ngoài mới cầm về"! Còn với Hiếu Hạnh, ông Cường cũng khẳng định là có thấy sử dụng một điện thoại Nokia màu xám, đời mới nhất vào thời điểm đó.
Cả Trinh và Hiếu Hạnh đã tỏ ra "yếu" hẳn đi sau những lời nói của "nhân chứng" Đinh Cường. Ông Trương Ngọc Để - người chủ trì buổi đối chất - đã yêu cầu HLV Cường viết bản tường trình cụ thể và báo cáo lên Ban giám đốc Sở TDTT để xin ý kiến giải quyết.
“Có nghe bóng gió chuyện tiêu cực ở bóng bàn”
![]() |
Ngoài giờ học văn hóa, giờ đây Khiêm phải phụ gia đình giữ xe cho tiệm hủ tíu chứ không còn tập bóng bàn |
Về vụ o ép tay vợt Lưu Khải Khiêm ở môn bóng bàn, sáng 17-1, tại cuộc họp giao ban đầu tuần của Sở TDTT, giám đốc Nguyễn Hoàng Năng đã chỉ đạo bộ môn phải sớm báo cáo về việc Tuổi Trẻ đã nêu. Cũng trong ngày 17-1, chúng tôi đã nhận được khá nhiều điện thoại của các phụ huynh có con em đang theo nghiệp bóng bàn, và tất cả đều bày tỏ mong muốn Tuổi Trẻ làm mạnh để phá vỡ "ung nhọt" ở môn này, đó là tình trạng nhũng nhiễu của một số HLV vai vế.
Ông Nguyễn Trọng Trúc - tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM - đã cho biết cụ thể về trường hợp của Khải Khiêm như sau: "Trước hết phải thừa nhận ban huấn luyện đã sai khi loại Khiêm ra khỏi chương trình thể thao quốc gia mà không thông báo cho gia đình biết. Còn lý do loại thì BHL cho rằng mặc dù Khiêm vô địch giải năng khiếu xuất sắc TP.HCM hai năm liền nhưng tương lai khó thể tiến xa. Chưa kể Khiêm thi đấu ở các giải nội bộ TP.HCM thì tốt chứ thi đấu các giải toàn quốc không hiệu quả"!
Một phụ huynh có con em đang là VĐV bóng bàn năng khiếu (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Nếu không biết điều với các HLV, họ sẽ xếp con mình làm quân xanh để các VĐV yếu hơn tập. Nếu con mình không chấp nhận thì bị qui kết là hỗn hào, không đạo đức. Vì thương con, chúng tôi đành phải chấp nhận sống chung với tiêu cực".
Lý do mà ông Trúc đưa ra hoàn toàn ngược lại với những gì mà nhiều HLV kỳ cựu khác nói với chúng tôi. Như HLV Lê Văn Ninh của Q.1 (người đào tạo nên VĐV Trần Huy Bảo) nhận xét: "Ở lứa tuổi 15-16, Khiêm là VĐV duy nhất có thể gây khó dễ cho Bảo. Có trận Khiêm đã dẫn trước đến 2-0 và Bảo chỉ thắng được ba ván sau đó nhờ vào kinh nghiệm. Tôi đã từng huấn luyện nhiều tay vợt khác nhau và thấy Khiêm là VĐV có tố chất thể hình tốt, có lối đánh hiện đại và quan trọng là gia đình rất có nhiệt huyết cho con chơi thể thao đỉnh cao. Vì vậy, việc loại Khiêm là vô lý và đáng tiếc".
Trở lại cuộc trò chuyện với ông Trúc, chúng tôi hỏi thẳng: “Dư luận các phụ huynh có con em chơi bóng bàn nói rằng có tiêu cực ở BHL bóng bàn TP.HCM. Ông có từng nghe?”. Ông Trúc trả lời: "Tôi có nghe bóng gió chuyện tiêu cực là phụ huynh muốn con em mình được chăm sóc tốt thì phải lo lót cho HLV. Tuy nhiên, tôi không có bằng chứng, và cũng chưa có phụ huynh nào chịu tố cáo thẳng với tôi cả"!
Lỗ hổng...
Việc tuyển chọn VĐV vào đội tuyển, vào những chương trình được đầu tư lớn như "Thế hệ vàng", "Thể thao quốc gia" lẽ ra phải có những barem cụ thể để làm căn cứ. Nhưng hầu hết các môn thể thao ở TP.HCM đều không làm điều đó mà giao cho HLV toàn quyền quyết định.Và đó chính là lỗ hổng để xuất hiện tiêu cực.
Thậm chí, nếu các HLV không có tiêu cực đi nữa thì phụ huynh của những em bị loại cũng cảm thấy không hài lòng, nghi ngờ. Đặc biệt, thật khó thể chấp nhận sự nhận xét đầy cảm tính của các HLV bóng bàn về trường hợp của Khiêm - người vô địch hai năm liền giải năng khiếu xuất sắc nhưng cuối cùng bị loại và người được chọn lại là những bại tướng dưới tay Khiêm!
Nhìn ra bên ngoài, có thể nói không ai làm như thể thao TP.HCM. Cụ thể, để tuyển chọn VĐV dự Olympic 2004, Úc đã tổ chức một giải bơi và ở đó tay bơi số 1 thế giới Ian Thorpe bị loại vì phạm qui. Luật là luật, Thorpe đã không thể dự cự ly 400m tự do ở Olympic nếu sau đó C.Steven không chủ động rút lui để nhường suất dự Olympic cự ly này cho Thorpe. Hay ở Mỹ, Marion Jones - đương kim vô địch thế giới chạy 100m nữ - cũng đã phải vắng mặt ở Olympic 2004 vì thua ở cuộc tuyển chọn trong nước Mỹ.
Bình luận (0)