Sau ngày 30-4-1975, dù phải đối mặt với khá nhiều công việc bộn bề, đặc biệt là việc ổn định đời sống và an ninh xã hội, nhưng với nhiệm vụ giáo dục thông qua các hoạt động huy động quần chúng, TDTT được xem là một trong những công tác khá quan trọng được chính quyền cách mạng non trẻ rất quan tâm. Chính vì vậy, chỉ ít ngày sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Tổng cục TDTT đã sớm cử một đoàn cán bộ từ Hà Nội vào Nam, để tổ chức phong trào đồng thời tiếp quản các cơ sở TDTT của chính quyền cũ để lại.
Là một trong số ít cán bộ TDTT sớm có mặt ở Sài Gòn sau ngày 30-4-1975, ông Lê Bửu, nguyên giám đốc Sở TDTT TPHCM, kể lại đoàn công tác gồm khoảng 5 - 6 người, phối hợp với lực lượng quân quản Sài Gòn chia nhau đi tiếp thu một số cơ sở TDTT như Trường đua Phú Thọ, Cercle Sportif Saigonnais (CSS) nay là Cung Văn hóa Lao động TP và SVĐ Cộng Hòa. Trong số các cơ sở được tiếp quản, ông Bửu cho biết: “Riêng SVĐ Cộng Hòa, theo lời giới thiệu của cố danh thủ Trương Tấn Bửu, là sân bóng đá khá nổi tiếng ở Sài Gòn và cả miền Nam. Sân này không chỉ là nơi tổ chức nhiều trận cầu quốc tế mà còn là địa điểm giới thiệu nhiều danh thủ “ngôi sao” như thủ môn Phạm Văn Rạng, Vinh “đầu hói” v.v... cùng việc in dấu ấn một thời của các đội bóng như Ngôi sao Gia Định, Ngôi sao Sài Gòn, CSS...”.
![]() |
Mặt tiền sân Thống Nhất ngày nay. Ảnh: T.TRUNG |
Trước một sân bóng có quá khứ lớn như vậy, đồng thời đứng trước nhiệm vụ cần sớm vận động quần chúng khôi phục lại phong trào TDTT nói chung và môn bóng đá nói riêng, các cán bộ TDTT thời ấy đã nhanh chóng bàn bạc ngay hướng khôi phục và đưa SVĐ này hoạt động trở lại. “Dù sân bóng này đã có tên gọi riêng, nhưng trước sự kiện đất nước vừa được giải phóng, hòa bình lập lại nên chúng tôi đã đưa ra ý tưởng cần thay đổi tên sân nhằm đánh dấu sự kiện lịch sử của dân tộc” - ông Lê Bửu kể tiếp. Thế rồi nhóm của ông Bửu đem ý định trên báo cáo lãnh đạo TP, đó là vào khoảng cuối tháng 7-1975. Ông Bửu nhớ lại: “Chúng tôi trực tiếp trình bày việc xin thay đổi tên SVĐ Cộng Hòa với hai vị lãnh đạo TP lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt và Vũ Đình Liệu. Sau khi nghe xong, các vị ấy đã đồng ý ngay việc thay đổi tên sân Cộng Hòa thành SVĐ Thống Nhất. Đoàn công tác chúng tôi cũng báo cáo việc này với ông Tạ Quang Chiến, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT lúc ấy và cũng sớm nhận được sự đồng thuận”.
Ngày đầu hồi hộp
Quyết định đổi tên sân đã có nhưng việc này cũng cần đến sự đồng thuận từ quần chúng và cần có thời gian chuẩn bị, đặc biệt là công tác tiếp quản, thu dọn và sửa chữa sân cỏ. Ông Nguyễn Thanh Toàn, nguyên phó giám đốc Sở TDTT TPHCM, người được phân công làm chủ nhiệm đầu tiên của sân Thống Nhất, kể lại: “SVĐ Cộng Hòa lúc đó khá ngổn ngang bởi ít ngày trước lúc giải phóng Sài Gòn, quân đội chính quyền cũ đã lấy nơi đây làm điểm đóng quân và tiếp đến sau ngày 30-4, nơi đây cũng được sử dụng làm kho quân dụng của quân đội cách mạng”. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa sân bóng trở lại hoạt động, ông Toàn cho biết: “Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy việc chúng tôi làm thời ấy cũng quá liều lĩnh khi ngay ngày mở cửa đón công chúng vào xem bóng đá, dưới gầm khán đài, đặc biệt là khu vực khán đài A, vẫn còn một kho chứa vũ khí, chất dễ gây cháy nổ chưa được thu dọn xong. Cũng may là buổi ra mắt sân Thống Nhất an toàn, vui vẻ”.
Ông Toàn còn cho biết thêm lễ công bố tên gọi SVĐ Thống Nhất còn có thêm nhiều ý nghĩa khi được chọn đúng vào ngày Quốc khánh 2-9-1975 và sau đó là trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng hàng đầu Sài Gòn cũ.
Bình luận (0)