Chưa từng có ý định rao bán đội bóng thế nhưng tỉ phú người Mỹ Ellis Short không thể không cầm lòng trước sự quan tâm của các doanh nhân Trung Quốc đến những CLB bóng đá hàng đầu nước Anh. Trong mắt nhà tài phiệt này, đấy cũng là một cơ hội kinh doanh đáng chú ý, không thể bỏ qua.
Sau khi một lượng lớn cổ phần (13%) của Man City được rao bán cho tập đoàn CMC và Công ty đầu tư CITIC Capital hồi cuối năm 2015, trong vài tháng qua, đã có thêm Aston Villa, West Brom và Wolves được chuyển giao cho phía những nhà đầu tư Trung Quốc. Đó là chưa kể ba tập đoàn lớn trong lĩnh vực đầu tư tài chính ở Trung Quốc là Everbright, PCP Capital Partners và China Investment Corporation đang bàn chuyện hợp lực để mua lại Liverpool với mức giá 700 triệu bảng.
Theo tờ SunSport (Anh), tỉ phú Ellis Short vừa qua đã bí mật thương thảo với nhiều đối tác nhưng xem ra có vẻ “mặn mà” hơn với một doanh nghiệp Trung Quốc. Chỉ có điều, Sunderland đang trải qua bước khởi đầu khá chật vật, hiện xếp chót giải Ngoại hạng Anh sau 8 vòng đầu tiên và đó là yếu tố để đối tác này dựa vào nhằm “ép giá”.
Tỉ phú Ellis Short, 56 tuổi, sinh sống tại bang Texas (Mỹ), cách đây 7 năm đã mua lại Sunderland với giá 20 triệu bảng từ chủ cũ là tập đoàn Drumaville của Ireland. Kể từ đó, ông đã đầu tư trên 200 triệu bảng để mua sắm cầu thủ, tái cấu trúc CLB có biệt danh “Mèo đen”. Giá rao bán Sunderland của Ellis Short nằm trong khoảng 150 - 180 triệu bảng nhưng phía đối tác đang yêu cầu mức thấp hơn khá nhiều.
Tài sản của một CLB, ngoài bộ máy quản lý, nhân sự liên quan đội bóng, còn có cả sân vận động mà CLB này sở hữu. Đó là chưa kể tiền bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đang ngày một tăng giá, theo đó, tầm cỡ như Sunderland cũng có thể được nhận mỗi năm từ 113-124 triệu bảng, tức gần bằng số tiền bỏ ra để mua lại đội bóng này.
Các chuyên gia bóng đá Anh dự báo sẽ còn nhiều thương vụ mang tính “thâu tóm” tương tự diễn ra trước tháng 2-2017, thời điểm Ban điều hành Premier League tổ chức khảo sát công chúng về hiện tượng “chuyển giao” ra nước ngoài, chủ yếu cho Trung Quốc. Trên cơ sở đó, điều lệ mới của giải sẽ được ban hành dự kiến cùng thời gian với việc thông qua Luật Đầu tư bóng đá vào đầu năm 2018.
12 CLB ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đang chịu sự chi phối ở những cấp độ khác nhau từ người Trung Quốc. Cụ thể, tại Anh là 5 (Man City, Wolverhampton, West Brom, Aston Villa, Liverpool); Tây Ban Nha là 3 (Atletico, Granada, Espanyol), Ý có 2 (Milan, Inter) và 2 tại Pháp (Auxerre, Sochaux).
5/12 đội này có 100% vốn đầu tư từ các tập đoàn, công ty Trung Quốc; 3 đội có vốn điều lệ phía Trung Quốc sở hữu lớn hơn 50% (tương đương quyền quyết định cuối cùng trong mọi phi vụ).
Bình luận (0)