VPF đã ký hợp tác với bảo hiểm Bưu điện nhưng không hiểu sao lại bắt cầu thủ Huỳnh Tấn Tài phải chịu chi trả viện phí cho Dương Văn Hào
Tối 7-5, Ban kỷ luật LĐBĐ Việt Nam đã ban hành quyết định kỷ luật cầu thủ Huỳnh Tấn Tài của CLB Long An vì pha phạm lỗi khiến cầu thủ Dương Văn Hào của Viettel gãy chân. Cựu hậu vệ U23 Việt Nam đã phải trả giá với mức án treo giò 5 trận, phạt 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là bên cạnh 2 án phạt quen thuộc về việc treo giò và phạt tiền theo quy định, Ban kỷ luật VFF lại khiến cá nhân cầu thủ Huỳnh Tấn Tài hoang mang khi kèm theo một mục nữa là "cầu thủ Tấn Tài phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Dương Văn Hào theo đúng Quy định về kỷ luật của LĐBĐ VN".
Nói như VFF, trường hợp của Huỳnh Tấn Tài không khác so với trường hợp của trung vệ SLNA Quế Ngọc Hải cách đây hơn 2 năm. Sau pha phạm lỗi khiến cầu thủ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng phải giải nghệ vì mức độ chấn thương quá nghiêm trọng, sau này dù tiền vệ của đội bóng sông Hàn rất nỗ lực tập luyện vẫn không thể chơi bóng trở lại, Quế Ngọc Hải đã bị VFF treo giò 6 tháng, phạt 15 triệu đồng nhưng nặng nhất là phải chịu toàn bộ viện phí chữa trị cho đồng nghiệp.
Sau đó, cầu thủ Anh Khoa được đưa sang Singapore chữa trị với chi phí lên đến hơn 800 triệu đồng. Toàn bộ khoản tiền đó, cá nhân Quế Ngọc Hải phải cắn răng chi trả. Để giúp đỡ anh một phần gánh nặng chi phí, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HAGL đã bỏ tiền túi 400 triệu đồng để Quế Ngọc Hải chi trả cho viện phí của Anh Khoa.
Ở thời điểm đó, dư luận chia ra hai luồng ý kiến, một bên cho rằng đây sẽ là bài học để nhiều cầu thủ Việt biết trân trọng đôi chân của đồng nghiệp hơn. Số khác thì cho rằng VFF đã ra mức án quá vô lý bởi va chạm trên sân bóng khó tránh khỏi, bản thân CLB chủ quản của hai bên phải có trách nhiệm trong việc chi trả.
Đó là lý do sau mùa giải 2015, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ký hợp tác với Công ty bảo hiểm Hùng Vương để bảo hiểm thân thể cho cầu thủ, trọng tài. Bản hợp đồng 2 năm giữa VPF với bảo hiểm Hùng Vương kết thúc sau nhiệm kỳ 2 của Hội đồng quản trị VPF.
Sau khi HĐQT VPF bầu ông Trần Anh Tú lên làm chủ tịch, VPF đã thay đổi đối tác bảo hiểm là Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI), hợp đồng cũng kéo dài 2 năm, bao trọn gói 3 giải chuyên nghiệp Việt Nam là V-League, Giải Hạng nhất và Cúp Quốc gia. Số tiền bảo hiểm dành cho các cầu thủ lên đến 300 triệu đồng, trong khi trọng tài, giám sát là 200 triệu đồng.
Từ đây, người ta có quyền đặt ra câu hỏi Ban kỷ luật VFF và VPF xử lý trường hợp Huỳnh Tấn Tài như thế nào mà ngoài treo giò và phạt tiền nguội, lại tiếp tục bắt cầu thủ của CLB Long An phải chịu cả phần chi phí chữa trị chấn thương cho đồng nghiệp, trong khi phần này lẽ ra đã có bảo hiểm PTI lo? Chưa kể, các CLB còn chịu trách nhiệm về trường hợp chấn thương của thành viên trong đội...
Bóng đá là môn đối kháng, va chạm là điều không thể tránh khỏi. Phạm lỗi nguy hiểm đến đối thủ chắc chắn là điều phải lên án, thậm chí treo giò thật nặng cũng được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, việc "đá bóng bị đau, lại đi bắt đền" tưởng chừng đã khép lại sau "án điểm" Quế Ngọc Hải, bây giờ lại trở thành một đề tài khiến giới bóng đá một lần nữa phải tranh cãi.
Thật khó hiểu cho VFF và VPF!
Bình luận (0)