Ở vòng đấu cuối gặp tuyển Albania, bộ tứ Nguyễn Thị Mai Hưng - Hoàng Thị Bảo Trâm - Bạch Ngọc Thùy Dương - Nguyễn Thiên Ngân dù chiếm ưu thế rõ rệt trước các đối thủ kém mình vài trăm Elo, trừ Thiên Ngân phải gặp Gjergji Rozana nhỉnh hơn 8 Elo, nhưng đều dễ dàng bị cầm hòa. Với kết quả hòa đáng thất vọng này, tuyển Việt Nam chỉ giành được tổng cộng 12 điểm toàn giải, dù đứng đầu nhóm 13 đội có cùng điểm số nhưng xuống vị trí 53 trên bảng xếp hạng chung cuộc.
Kết quả này khiến người hâm mộ "choáng" bởi ở giải đấu gần nhất diễn ra tại Batumi - Georgia năm 2018, tuyển Việt Nam còn góp mặt trong tốp 15 của Olympiad. Ở chuyến du đấu tại Chennai - Ấn Độ lần này, tuyển nữ Việt Nam thiếu vắng kỳ thủ chủ lực Phạm Lê Thảo Nguyên và đội hình được xem là "trẻ hóa" của cờ vua Việt Nam chuẩn bị cho tương lai đã không bảo vệ được thứ hạng của chính mình.
Võ Thị Kim Phụng (trái) ở trận gặp Frayna Janelle Mae (Philippines) - Ảnh: FIDE
Sau chiến thắng lịch sử trước đối thủ mạnh Hungary ở vòng 6 để chen chân vào tốp 10, tuyển nữ Việt Nam đã "rơi tự do" sau một ngày nghỉ giữa quãng. Năm ván cuối, đội lần lượt thất bại trước Kazakhstan, Đức, Philippines và hòa Bỉ, Albania. Ngoài Đức và Kazakhstan, 3 đội còn lại đều có Elo trung bình thấp hơn nhiều so với tuyển Việt Nam.
Chỉ kiếm được 2 điểm trong 5 vòng đấu cuối, tuyển Việt Nam kết thúc giải với thứ hạng chung cuộc 53/162. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 30 năm tham dự Olympiad, Việt Nam nằm ngoài tốp 50 thế giới. Thành tích tốt nhất của cờ vua nữ Việt Nam là hạng 7 tại Olympiad 2016, còn thứ hạng thấp nhất được ghi nhận là vị trí 34 vào năm 1992.
Giành quán quân tại Olympiad Chennai 2022, ở bảng nam là tuyển Uzbekistan trong khi Ukraine vươn lên soán ngôi đầu bảng nữ từ tay chủ nhà Ấn Độ ở những vòng đấu cuối. Thành tích cá nhân tốt nhất tại giải thuộc về "thần đồng" Dommaraju Gukesh (Ấn Độ) với 8 thắng, 2 hòa, 1 thua, giành HCV ở bàn một với hiệu suất thi đấu 2.867.
Bình luận (0)