VAR không quá xa lạ với người hâm mộ khi công nghệ này từng được thử nghiệm tại World Cup các CLB năm 2016, World Cup U20 năm 2017 cũng như đã được đưa vào sử dụng chính thức tại Giải nhà nghề Mỹ MLS, Giải Vô địch quốc gia Úc A-League và sắp tới là Giải nhà nghề Hàn Quốc K-League. Dù vậy, Cúp Liên đoàn các châu lục FIFA (Confed Cup) đang diễn ra trên đất Nga được kỳ vọng sẽ đi vào lịch sử khi đây là sân chơi đầu tiên dành cho các đội tuyển quốc gia có sự "can thiệp" của VAR, tiến tới việc công nghệ này xuất hiện chính thức ở đấu trường World Cup vào mùa hè năm tới.
Việc áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại vào môn thể thao "vua" đã và đang giúp cho bóng đá trở nên hấp dẫn hơn, giàu cảm xúc hơn trong mắt người hâm mộ. Dù vậy, đã có rất nhiều tranh cãi về "tính hai mặt" của vấn đề, cụ thể là từ khi công nghệ vạch cầu môn điện tử (goal-line) ra đời cách đây vài năm. VAR cũng không là ngoại lệ, nhất là khi công nghệ này được cho là đã "hủy hoại" các trận đấu vòng bảng Confed Cup 2017.
Vidal của Chile tranh cãi về bàn thắng không được công nhận Ảnh: REUTERS
Pepe bị từ chối một bàn thắng khi Bồ Đào Nha buộc phải chia điểm với Mexico trong trận hòa 2-2 ở bảng A. Trận đấu giữa Đức và Úc, tổ trợ lý VAR phải làm việc cật lực 5 lần, trong đó, tình huống xác định bàn gỡ 2-3 của Tomi Juric (Úc) phút 56 hoàn toàn sai lầm. Thủ môn B.Leno của tuyển Đức phạm sai sót nghiêm trọng nhưng VAR không phát hiện được chính Juric để bóng chạm tay trước khi băng vào ghi bàn.
Chile đến nay vẫn là đội kém duyên nhất, bị VAR từ chối một bàn thắng ghi trong tư thế việt vị khi E.Vargas sút tung lưới tuyển Cameroon. Ở trận đấu tiếp theo gặp tuyển Đức, pha ghi bàn của A.Sanchez bị VAR "soi" kỹ trước khi được công nhận trong khi cú phi cả hai chân từ phía sau của S.Mustafi (Đức) nhắm vào A.Vidal lại không được các trợ lý thông báo với trọng tài chính A.Faghani!
Người hâm mộ Chile uất hận đã đành, khán giả khắp nơi cũng không mấy đồng tình với việc VAR cho ra quá nhiều những kết quả sai lệch như thế. Trang tin điện tử bóng đá Goal.com thậm chí còn giật tít "VAR - Video Assisted Rubbish" (công nghệ video hỗ trợ rác rưởi)! Dư luận đa phần bày tỏ sự hoài nghi và cả sự bất mãn trước việc các "trọng tài người" mất đi sự chủ động, tính quyết đoán của mình để lệ thuộc một cách tuyệt đối vào máy móc.
Câu hỏi vì đâu mà một bàn thắng phải cần đến vài phút để xác định còn cầu thủ phải nén xúc cảm hàng chục giây sau khi ghi bàn mới được ăn mừng, không dễ có lời giải thỏa đáng. Chủ tịch FIFA G.Infantino xuất thân là một luật sư nên ông luôn khao khát và tìm kiếm sự công bằng trong bóng đá với sự trợ giúp của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cũng như công nghệ goal-line, VAR đang làm mất đi một phần cảm xúc trong bóng đá nhưng chưa chắc đã có được 100% công lý trên sân cỏ mà những ví dụ kể trên là minh chứng.
Trận đấu còn 60 phút?
FIFA đang cân nhắc áp dụng quy định rút ngắn thời gian trận đấu từ 90 phút xuống 60 phút. Đây là khoảng thời gian "bóng sống", tức đồng hồ chỉ nhảy khi bóng trong cuộc, tương tự quy định của môn futsal. Thời gian "bóng sống" ở các giải đấu đỉnh cao đều chưa tới 60 phút mỗi trận, như trận chung kết World Cup 2014 giữa Đức và Argentina chỉ 57,6 phút còn ở trận chung kết World Cup 2010 chỉ có 54 phút! Tăng thời gian bóng trong cuộc, FIFA buộc các cầu thủ phải chạy và đá bóng nhiều hơn, tránh các kiểu câu giờ.
Bình luận (0)