Ngày 5-7, đại diện của CLB Sint-Truidense sẽ có mặt ở TP HCM để cùng ký kết hợp đồng với CLB HAGL. Công Phượng sẽ thi đấu ở giải vô địch Bỉ trong 1 năm theo hợp đồng cho mượn và những thông tin liên quan đến chuyên môn, tiền lương đều được hai bên giữ bí mật.
Điều đó khiến dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi quen thuộc rằng liệu Công Phượng có tiếp tục chịu cảnh dự bị dài dài như 2 lần chơi bóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc? Nên nhớ rằng ở mùa giải 2018-2019 vừa qua, CLB Sint-Truidense từng sở hữu đến 6 tuyển thủ Nhật Bản nhưng số trận họ được thi đấu chỉ khoảng 10 trận/mùa. Lý do vì Sint-Truidense cạnh tranh suất dự cúp châu Âu cực kỳ khốc liệt nên có nhiều thời điểm, ban huấn luyện không trọng dụng các cầu thủ đến từ châu Á. Vậy với trình độ của Công Phượng, cơ hội để anh ghi điểm và được ra sân sẽ là bao nhiêu phần trăm?
Công Phượng trong trận gặp Nhật Bản tại AFC Asian Cup 2019. Ảnh: ANH KHOA
CLB Sint-Truidense là đội bóng thuộc chủ sở hữu của một tập đoàn thương mại Nhật Bản. Đó là lý do vì sao phía HAGL giấu kín điểm đến của Công Phượng, trong khi báo chí Nhật Bản lại sớm công bố thông tin này hơn 1 tuần trước khi 2 CLB ngồi vào bàn ký hợp đồng. Tuy nhiên, điều này cũng không thể bảo đảm cho Công Phượng chắc suất, hay ít ra được ra sân có số trận tương ứng với các cầu thủ Nhật Bản ở CLB này.
Bất kỳ một CLB nào cũng đặt yếu tố thương mại song song với thành tích chuyên môn, nên không loại trừ khả năng Công Phượng sẽ được xuất hiện trong đội hình Sint-Truidense đôi lần. Nếu chỉ như vậy thì giá trị chuyến xuất ngoại sang châu Âu của Công Phượng không như kỳ vọng của bầu Đức. Còn nhớ ngày trình làng lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều..., bầu Đức rất tự tin rằng sớm muộn, với trình độ được đào tạo bài bản từ nhỏ theo giáo trình của CLB Arsenal, những cầu thủ của HAGL JMG sẽ đến được với những giải đấu tại châu Âu. Chính vì vậy mà dù rất trầy trật để khẳng định bản thân ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, Công Phượng vẫn quyết tâm đến Bỉ thi đấu.
Theo tờ thể thao Walfoot của Bỉ, Công Phượng vẫn là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam đủ sức gia nhập một CLB tại Bỉ. Tờ này cho rằng mỗi quốc gia trên thế giới đều có phiên bản riêng của siêu sao Lionel Messi và ở Việt Nam, danh xưng đó trao cho Công Phượng là xứng đáng nhất.
HAGL thất bại khi xuất khẩu Công Phượng sang Đông Á, mà nguyên nhân đến từ hạn chế giao tiếp với HLV và đồng đội. Tuy nhiên, Bỉ lại là môi trường nói tiếng Pháp và tiếng Anh, nơi Công Phượng có thể phát huy khả năng giao tiếp tốt hơn so với Nhật hay Hàn Quốc. Hy vọng tiền đạo tuyển Việt Nam sẽ không "quá tam ba bận", may mắn sẽ mỉm cười với anh.
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi ở Bỉ
"Khi có tin Công Phượng sang Bỉ, cái tên Sint-Truidense lập tức tạo nên cơn sốt tìm kiếm ở Việt Nam. Điều đó xuất phát từ việc tiền đạo gốc Nghệ An có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Công Phượng sẽ đi vào lịch sử với tư cách là cầu thủ Việt Nam đầu tiên gia nhập giải đấu cao nhất của Bỉ" - báo thể thao Walfoot của Bỉ bình luận.
Bình luận (0)