Zhang Shangwu, cựu vận động viên thể dục dụng cụ từng đoạt chức vô địch thế giới, vừa được giới truyền thông phát hiện phải biểu diễn trên đường phố Bắc Kinh – Trung Quốc để xin tiền sống qua ngày.
Zhang được giới truyền thông Trung Quốc quan tâm
sau khi 1 cư dân mạng tải câu chuyện của anh lên Weibo. Ảnh: CFP
Một blogger tên Langfeng đã tải hình ảnh Zhang Shangwu, 27 tuổi, biểu diễn ở nhà ga xe điện Wangfujing ở Bắc Kinh trên mạng xã hội Weibo.
Theo Langfeng, để kiếm được vài chục tệ/ngày, Zhang phải thi thố những động tác từng giúp anh giành huy chương vàng. Gần đây, Zhang bị bảo vệ nhà ga xua đuổi.
Để kiếm miếng ăn, cựu vô địch thế giới phải "mãi võ" trên đường phố từ tháng 4-2011. Ảnh: CFP
Anh bị bảo vệ nhà ga xua đuổi. Ảnh: Tân Hoa Xã, CFP
Tình trạng bi đát của Zhang được một đồng đội cũ tên Xing Aowei xác nhận. Xing còn kêu gọi mọi người giúp Zhang một tay dù anh từng vấp phải sai lầm trong quá khứ.
Zhang sinh ra ở tỉnh Hà Bắc và gia nhập đội tuyển quốc gia năm 1995. Ở tuổi 18, anh đã đoạt 2 huy chương vàng tại Đại hội Thể thao sinh viên thế giới mùa hè năm 2001 tại Bắc Kinh.
Tương lai Zhang tiếp tục rộng mở khi anh được chọn huấn luyện cho Olympic Athens 2004, tiếc rằng anh bị chấn thương gót chân năm 2003 trong lúc luyện tập và phải nghỉ thi đấu vào năm 2005 với khoản tiền trợ cấp 38.000 tệ (hơn 5.800 USD).
Zhang từng đoạt 2 huy chương vàng thế giới năm 2001... Ảnh: Tân Hoa Xã
... trước khi phải giải nghệ do chấn thương gót chân. Ảnh: CFP
“Từ đó, tôi làm nghề giao thức ăn nhanh nhưng chỉ được một thời gian thì chấn thương trở nên tệ đến mức tôi không thể chạy hoặc đi quãng đường dài” - Zhang kể.
Tiền tiết kiệm cạn dần trong khi người ông lại bị xuất huyết não, Zhang túng quẫn đến nỗi phải bán huy chương của mình với giá rẻ mạt - hơn 16 USD - trước khi sa chân vào trộm cắp và phải ngồi tù vào năm 2007.
Ra tù từ tháng 4-2011, Zhang về quê thì hay tin ông mình đã qua đời. Thế là, anh quay lại Bắc Kinh, bắt đầu biểu diễn trên đường phố để kiếm tiền.
Thất nghiệp, không nhà cửa, Zhang ngủ luôn tại ga xe điện ngầm. Ảnh: Tân Hoa Xã
Anh phải bán huy chương để kiếm ăn. Ảnh: CFP
“Cật lực luyện tập từ nhỏ khiến tôi chỉ cao 1,51 m. Chiều cao hạn chế khiến không ai tin rằng tôi có thể làm công nhân phổ thông nên tôi thất nghiệp” - Zhang chia sẻ.
Sau khi được phát hiện, Zhang may mắn nhận được nhiều lời mời làm việc từ các nhà hảo tâm, trong đó có tỉ phú Chen Guangbiao. Đang tá túc tại một khách sạn do một tờ báo Trung Quốc trả chi phí, Zhang hy vọng nhanh chóng tìm được việc làm ổn định.
Nhờ sự đánh động của báo chí, Zhang nhận được nhiều lời mời làm việc. Ảnh: AFP
Hoàn cảnh của Zhang một lần nữa đánh động dư luận Trung Quốc về bóng tối đằng sau vinh quang của những vận động viên giải nghệ do chấn thương.
Dốc sức luyện tập từ thuở thiếu thời khiến họ không được học hành đầy đủ và không có nghề nghiệp nào khác. Tờ China Sports thống kê 80% trong số 300.000 vận động viên đã giải nghệ phải sống chật vật vì chấn thương, nghèo đói và thất nghiệp.
Một ví dụ là nữ vận động viên Ai Dongmei, người thắng cuộc cuộc thi marathon quốc tế Bắc Kinh năm 1999, buộc phải rao bán các huy chương trong sự nghiệp khi 2 vợ chồng cô giã từ đường chạy năm 2007. Bán quần áo trẻ em trên đường phố là cách mà Ai Dongmei mưu sinh hiện nay.
Ngậm ngùi không kém là nhà vô địch cử tạ quốc gia Zou Chunlan. Thôi làm vận động viên năm 2006, cô kiếm sống bằng nghề đấm bóp trong một nhà tắm công cộng và chỉ kiếm được vỏn vẹn 1,45 tệ/ khách. Nhờ một nhà hảo tâm, sau đó, Zou mới mở được một tiệm giặt ủi.
Thê thảm nhất phải kể tới vận động viên cử tạ từng đoạt huy chương vàng Á vận hội 1990 Cai Li. Giải nghệ rồi, Cai trở thành bảo vệ trước khi qua đời năm 2003 do di chứng chấn thương cũ.
Bình luận (0)