Thời ấy, các trận đấu chưa được truyền hình trực tiếp và khán giả hâm mộ chỉ có thể hình dung diễn biến trận đấu thông qua lời tường thuật trực tiếp trên radio. Bóng đá "chuyên nghiệp" trước thời điểm Việt Nam hoàn toàn giải phóng vẫn còn đơn sơ, cầu thủ không được trang bị đầy đủ và đấu pháp chiến thuật còn mộc mạc!
Thế nên, bóng đá phong trào (hay còn gọi là đá "phủi") lúc ấy được giới túc cầu ưa chuộng và các trận đấu của những cầu thủ nghiệp dư luôn tràn ngập tiếng cười nói, bình luận của khán giả. Tan tầm, giới "phủi" Sài Gòn thường tụ tập tại các sân bóng lâu đời như Tao Đàn, Cộng Hòa (sân vận động Thống Nhất bây giờ) hay Hoa Lư… để cọ xát, tôi luyện kỹ năng, thỏa niềm đam mê với trái bóng tròn mà lại không… tốn tiền. Ở thời điểm ấy, Sài Gòn và các vùng lân cận chỉ có khoảng 12 sân bóng nên muốn được vào sân phải chờ đến lượt.
Phong trào bóng đá hùng mạnh diễn ra tại các trường học ở Sài Gòn trước năm 1975 chính là cái nôi sản sinh nhiều cầu thủ nổi tiếng thuở ấy. Nhắc đến sân chơi này, không ít cựu tuyển thủ như cố HLV Tam Lang, ông Dương Văn Thà, ông Lê Văn Tư (Tư Lê) hay ông Hồ Thanh Cang… hãnh diện bởi ở đó họ tìm được ngã rẽ, thay đổi cuộc đời.
Nhiều giải đá “phủi” được đầu tư và tổ chức kỹ lưỡng hơn sau khi đất nước giải phóng.Ảnh: ĐỨC ANH
Ngày nay, bóng đá phong trào tại TP HCM đã có những cuộc chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng phát triển chung của nền bóng đá nước nhà. Các giải "phủi" được tổ chức chuyên nghiệp hơn khi có nguồn tài trợ dồi dào. Nhiều giải đấu đạt chất lượng chuyên môn cao và duy trì lâu dài như giải vô địch sân 7, giải 8 đội mạnh sân 11, cúp tứ hùng mừng Xuân hay giải phong trào kỷ niệm ngày 30-4…
Để đẩy mạnh phong trào thể thao toàn dân, các trung tâm tập luyện, sân bãi với nhiều quy mô dần được xây dựng và hình thành tại TP HCM, bóng đá cũng len lỏi vào từng cơ sở, trường học và xí nghiệp. Dân đá "phủi" bây giờ cũng không sợ thiếu sân chơi hay thiếu "cầu" giao lưu. Và bóng đá phong trào thành phố mang tên Bác vẫn duy trì nét đẹp, truyền thống vốn có.
Ông Duy Phương - ông "bầu" CLB The Sun, một trong 4 đội phong trào mạnh, nổi tiếng tại TP HCM hiện nay - nhấn mạnh: "Chúng tôi không có nhiều tiền để làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng đủ khả năng duy trì, xây dựng và phát triển bóng đá phong trào tại TP HCM. Qua những giải đấu nghiệp dư, những lần cọ xát, nhiều cầu thủ trẻ có cơ hội được phô diễn tài năng và tạo điều kiện tiếp xúc, tập luyện ở các đội chuyên nghiệp. Đó là niềm vinh dự, cũng là đam mê của những người yêu bóng đá tại TP HCM".
Nhiều cựu tuyển thủ như tiền đạo Nguyễn Ngọc Thanh, hậu vệ Huỳnh Quang Thanh hay trung vệ Lưu Ngọc Hùng… đã dồn tâm huyết trong việc ươm mầm tài năng bóng đá bằng cách mở lớp và tham gia huấn luyện, đào tạo trẻ sau khi giải nghệ. Những tuyển thủ kể trên đã lăn lộn, nếm trải vất vả với xuất phát điểm từ các sân "phủi" nên thấu hiểu cảm giác hạnh phúc khi được đầu tư, phát triển sở thích lúc còn mầm non.
Bình luận (0)