Năm 1983, xuất ngũ trở về, Hảo tính đường đi buôn gỗ, làm hàng mộc. Thời ấy gỗ lạt rẻ đến nỗi không có sức mang về, Hảo ăn nên làm ra, tiền vào như nước. Một năm sau, tình cờ Hảo gặp lại anh Khiển là người đồng đội cũ. Lúc này Khiển đã rất giàu có và là một kẻ có máu mặt ở bãi vàng Na Rì (Bắc Thái). Khiển tỉ tê nói chuyện, vẽ ra một viễn cảnh cực kỳ huy hoàng nếu Hảo cùng theo lên Na Rì làm vàng. Thấy có lý, lại không lo bị bắt nạt khi bạn mình đang là một kẻ có tiếng ở vùng vàng, Hảo quyết định kéo thêm 9 anh em trong làng lên đường.
Đây là anh cả.- Bãi sa khoáng rộng lớn trải suốt 3 km dọc sông Bằng Giang là thiên đường của những kẻ đi tìm mộng đổi đời. Nhóm của Hảo được Khiển dẫn vào chiếm lấy một khu vực giữa hàng trăm khu vực với cả ngàn người lầm lụi đào bới, nhăn nhó, la hét rồi đánh đấm, ẩu đả. Bài học vỡ lòng dành cho những người bước chân vào vùng đất này là hoặc im lặng, cầu thị hoặc chấp nhận mọi hậu quả để rắn mặt trước tứ chiếng giang hồ, giữa những cuộc tranh hùng giành giật miếng ăn, từng xẻng cát, giữa một xã hội thu nhỏ bị coi là vô chính phủ, mọi hoạt động bán mua đều tính ra vàng và... máu. Ngày đầu tiên anh em trong nhóm không làm việc mà theo Khiển và Bùi Đình Tĩnh đều là những kẻ rắn mặt, đáng nể trong vùng đến từng lán lập quan hệ. Hảo kể: “Tôi có một cái may mắn là khi còn trong quân ngũ, tôi là thủ trưởng của Khiển và Tĩnh, thành ra khi lên đây đi đâu chúng nó cũng giới thiệu duy nhất chỉ một câu: “Đây là anh cả!” Bỗng nhiên tôi thành kẻ có uy giữa cả biển người vốn đã quá quen với chuyện chém giết, cưỡng hiếp khi đến cả hai đại ca cũng phải gọi tôi bằng anh, cũng phải nghe lệnh tôi răm rắp. Và đây cũng chính là lý do khiến tôi có một vụ chạm trán nảy lửa với đám bưởng vàng chuyên đi “làm luật”, cướp trắng trợn người đào đãi!”.
. Phục thiện: Ngồi trước mặt tôi bây giờ không phải là “anh cả bãi vàng” hay con nghiện Hảo nữa mà là một phó chỉ huy quân sự xã Minh Đức, một trưởng thôn uy tín của làng Phong Cốc vừa mới trúng cử HĐND.
Hảo đưa ánh mắt nhìn xa xăm, khuôn mặt nhàu nhĩ, làn da sần sùi co lại rồi vẽ cho chúng tôi một “bức tranh” toàn cảnh về cái “thiên đường chết” Hảo từng dạn dĩ bước qua: Tất cả các bãi vàng, dù bất cứ nơi đâu đều không thể tránh khỏi cảnh cướp giật, đánh lộn, giữa các nhóm đào bới tranh giành ranh giới tiềm năng nhiều vàng, giữa bọn “xã hội đen” với người có vàng. Tất cả tạo nên một bức tranh chẳng khác gì những phim găngxtơ hạng ba Hồng Kông ngoài thị trường băng đĩa lậu. Cứ vài ba ngày lại có vài nhóm trên dưới 10 người mang lựu đạn, mã tấu, rìu Thạch Sanh, thậm chí cả súng trường, súng ngắn đến “kiểm tra” từng hầm, từng bãi vàng. Hễ thấy có vàng là chúng rằn mặt, tịch thu, kẻ nào chống lại là chúng đánh, dám “bật lại” là chúng xử bằng “luật rừng”. “Có lẽ vì nghe danh nên bọn chúng chờn nhóm của tôi. Nhưng trong cái xã hội vũ trị ấy không thể có hai vua, và chúng quyết định sẽ thử xem “anh cả Hảo” uy lực đến mức nào!” - Hảo kể.
“Vào một buổi chiều, tôi nhớ không lầm thì độ 3 giờ, có 4 thằng mang lựu đạn, rìu và mã tấu đến quan sát nhóm chúng tôi, chúng không nói gì rồi bỏ đi. Khi chúng đi xa độ 1 km, Hảo được một cụ già bán hàng rong ở bãi vàng báo cho một tin dữ: Ông cụ đã gặp bọn bưởng nằm vạ vật ven sông và biết tối nay chúng sẽ tiến hành “xử lý” nhóm Hảo anh cả. Tôi họp anh em lại và quyết định sẽ chiến đấu với bọn chúng đến hơi thở cuối cùng. Do có kế hoạch chuẩn bị trước nên đến 9 giờ tối, khi bọn chúng mới đến gần lán thì tất cả anh em đã mai phục sẵn ném đá, phóng dao ào ạt vào chúng. Thấy không thể tiến gần, lại thấy tiềm lực của Hảo anh cả quá mạnh, bọn chúng rút lui. Sau đó, tôi cùng anh em hô hào, tập hợp vài nhóm khác rượt theo. Sợ mất vía, từ đó bọn chúng không còn dám bén mảng đến gần lán của tôi nữa”.
Từ đó, Hảo trở thành “anh cả” thực thụ của bãi vàng. Hảo làm ít lại được hưởng nhiều. Trong xã hội toàn những con người uống rượu thay nước, hút thuốc phiện thay cơm và ngủ với gái làm tiền thay vợ, Hảo sống như một ông vua suốt từ năm 1985 đến 1990.
Con bạc và con nghiện.- Cơ thể mệt mỏi, tinh thần suy nhược vì những nước nôi, vàng cát, những rượu chè, hút xách, những cuộc nắn gân vũ lực, Hảo quyết định ôm 30 cây vàng còn lại về quê.
Với số tiền khổng lồ vào những năm đói kém ấy, Hảo đã xây được nhà ngói, mua xe máy, tậu 5 ô đất rộng mặt tiền Quốc lộ 5 và đầu tư trở thành một cai thầu đổ đất, cát sỏi... của cả vùng. Anh cả Hảo đã trở thành một cai thầu lớn với cả trăm lao động làm việc mỗi ngày. Hảo đã giàu lại càng giàu hơn khi thu nhập mỗi ngày luôn đạt trên dưới một chỉ vàng. Nhưng, cũng chính cuộc sống giàu có, vương giả ấy đã dìm đời Hảo xuống đáy xã hội. Hảo tâm sự: “Tôi vốn là một kẻ tiêu pha vung vãi từ khi ở bãi vàng Na Rì, làm ra gần trăm cây vàng mà chỉ dành được 30 cây về nhà. Bây giờ, ngồi chơi xơi nước chỉ việc đếm tiền thành ra tôi càng hư hỏng nhanh. Nhiều lúc nghĩ, nhiều tiền quá mà chẳng biết... tiêu gì nên tôi đã lao vào các chiếu bạc, tá lả, chắn cạ từ cò con vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Say máu, dần dần tôi tự biến mình thành một con bạc “khát nước” nhất vùng. Chơi với dân quê nghèo thấy không đủ vung tay, tôi mò lên Hà Nội, chui vào sới bạc tại Đuôi Cá (gần cầu Long Biên) của Tỵ. L (Hà Nội) và Minh. S (Hà Bắc) vốn khét tiếng nhất thủ đô thời kỳ ấy. Gặp các đại gia, tôi đã bị chúng “câu” khi để thắng thời kỳ đầu rồi khi đánh lớn chúng mới “diệt”. Thua - cay cú - liều lĩnh - trắng tay, đó là cái quy luật muôn thuở của cờ bạc để rồi phải “ra đê mà ở”. Càng thua đau tôi càng say máu. Thế rồi, ba mảnh đất mặt đường theo nhau tan vào chiếu bạc, biếu một cách hậm hực cho đám cờ bạc bịp ấy...”.
Theo lời của Hảo thì việc mất ba mảnh đất không đau bằng việc hàng trăm thợ thuyền mất lòng tin vào một ông chủ cờ bạc nên lũ lượt bỏ đi, anh em họ hàng, xóm giềng ghét bỏ, không thèm nhìn mặt. Hết nguồn thu nuôi cờ bạc lại phải chịu những cái nhìn ghẻ lạnh như con hủi, Hảo chán đời rồi rúc vào mấy ổ hút chích ma túy trong làng và xã. Nhưng đến cả những con nghiện cũng khiến Hảo phải đau đớn. “Hồi ấy, hầu hết bọn tôi chỉ hút thuốc phiện, thuốc đen. Nhưng do tôi không có bàn đèn, phải hút mượn nên lần nào tôi cũng phải chia thuốc cho cả bọn mới có bàn đèn mà hút. Điên tiết lên, tôi quyết định không hút thuốc đen nữa mà chuyển sang mua heroin để hút một mình”. Dây vào thuốc trắng càng nhanh nghiện, có thời điểm Hảo hít trung bình một ngày hết 150.000-300.000 đồng, thậm chí có ngày hết 700.000 đồng. “Với tốc độ ấy thì dù có tiền núi cũng mòn chứ nói gì đến một kẻ đã mất nghiệp làm ăn, mất phần lớn đất cát vào cờ bạc như tôi. Để có thuốc, tôi lao vào kiếm tiền, không đủ, tôi khuân sạch đồ đạc trong nhà không chừa thứ gì có thể bán thành tiền kể cả vài nghìn đồng đến 2 mảnh đất mặt đường còn lại. Gia đình tôi từ một nhà giàu trở thành nhà... chị Dậu. Anh em, họ hàng, làng xóm càng mất lòng tin vào tôi, hễ làng xóm xảy ra vụ việc xô xát, trộm cắp, cướp giật nào là họ lại nghĩ đến thằng Hảo nghiện mặc dù thời điểm ấy riêng làng tôi đã có đến 9 đứa nghiện nặng, còn loại... nhàng nhàng thì phải 30 đứa!”.
Công an xã không quét nổi hàng loạt những ổ nghiện mọc khắp các thôn trong xã. Và trưởng công an xã Phạm Đức Trạm đã nhiều lần gọi riêng Hảo ra để khuyên bảo, cộng với sự tác động của gia đình, Hảo đã quyết định đi cai nghiện. Song, “xưa nay đến việc cai thuốc lá còn chẳng mấy ai thành công huống gì ma túy! Sau 5 năm nghiện (từ 1991-1995) tôi đã phải vật vã trải qua đến 11 lần cai. Tôi nhớ nhất là lần cai thứ 10, đó là lần tôi rất quyết tâm khi một mình khoác ba lô lên cơ sở cai nghiện ở Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) do chị Độ quản lý. Bước sang ngày thứ ba, tôi hỏi chị Độ, “liệu khi cai xong về nhà, nếu nhìn thấy thuốc tôi có chịu nổi không?”. Chị Độ ngẫm nghĩ rất lâu rồi trả lời thẳng thừng, “nếu có thuốc cai được ngay thì 200 triệu một viên cũng khối người mua!”. Điều đó có nghĩa là, để cai nghiện thành công, điều quan trọng là phải có ý chí, nghị lực. Nghe xong, tôi quyết định bỏ cai hồi gia”.
Về nhà, Hảo đã nói với cả gia đình một câu ngắn ngủn, “tôi không cai được đâu!”.
Gia đình Hảo lại bước vào một thời kỳ “tối tăm”!
Bước ngoặt mới trong đời Hảo bắt đầu vào ngày 2-4-1995 là ngày giỗ bố anh. Trước đông đủ anh em họ hàng và một số gia đình hàng xóm, sau khi thắp hương cho bố xong, anh Hảo đứng lên tuyên bố: “Tôi quyết định cai. Lần này không xong thì từ năm sau, ngày giỗ bố cũng chính là ngày giỗ tôi!”.
Hết buổi giỗ, đến 4 giờ chiều, anh xin mẹ 100.000 đồng mua 2 phân heroin (giá khi ấy là 50.000 đồng/tép = 1 phân) rồi kéo một bạn nghiện thân thiết là Quang lên... hút chia tay. Xong, anh nhờ một số người đi mua gom cho 10 vỉ thuốc ngủ xê-đu-xen, cất tất cả đồ đạc trong nhà để tạo một khoảng không gian cho anh đập phá thoải mái khi lên cơn nghiện. “8 giờ tối tôi uống 10 viên. Với người bình thường thì số thuốc ấy đã quá đủ để đưa anh ta về thiên cổ, nhưng khi đó trong máu tôi vẫn còn chất ma túy nên không hề hấn gì. Tôi nằm ngủ li bì đến 4 giờ sáng thì tỉnh. Vậy là tôi đã vượt qua một cữ vào lúc 12 giờ đêm. Cả nhà tôi không ai ngủ được, vì lo lắng cho số phận thằng Hảo nghiện, xem nó vượt cữ thế nào và để chờ nó tỉnh dậy mà chăm sóc. Tôi ăn ngấu nghiến mía, cam đã được cả nhà làm sẵn rồi uống tiếp 6 viên để “quên” đi cữ “vật” vào lúc 7 giờ sáng. Tỉnh dậy, tôi lại uống tiếp và ngủ đến 8 giờ tối ngày thứ hai thì tỉnh. Cảm giác trong người tôi lúc ấy đau đớn không thể tả nổi, cứ như từng thớ thịt, từng khớp xương bị cả triệu con dòi, con bọ nó phá. Ngày hôm ấy tôi không còn “vật” nữa nhưng cơ thể quá đau đớn và mệt mỏi. Tôi quyết định áp dụng mấy phương pháp cai nghiện: Ra sân tập thể dục, làm bất cứ một việc gì và phơi nắng. Cái khổ nhất là khi tôi bắt đầu tập va chạm với nước lạnh. Người nghiện nó như con chó dại, điên cuồng và sợ nước... Đến giờ, tôi vẫn chưa lý giải hết tại sao tôi lại đủ nghị lực để vượt qua những cơn vật vã, đau đớn để thành công. Chỉ biết, mỗi khi “lâm trận”, tôi chỉ suy nghĩ duy nhất một điều, hoặc chịu đựng, “vượt cạn” để thành công, hoặc chết!”.
Đại biểu HĐND.- Mặc dù đã rất quyết tâm phục thiện, nhưng đã có rất nhiều lần anh thầm khóc khi cảm thấy mình quá cô đơn giữa làng xóm. Thời gian dần trôi, thấy anh tu chí làm ăn, dạy dỗ được đám trẻ mới lớn thôi đua đòi, quậy phá, hết nạn trộm cắp, trưởng thôn Đỗ Văn Tằng đã đề xuất với cấp ủy xã để đưa anh vào ban bảo vệ của thôn nhưng có đến 2/3 không đồng ý. Thấy vậy, ông Tằng đã cam kết: “Nếu anh Hảo không làm được, tôi xin từ chức trưởng thôn!”. Rồi anh bảo vệ Bùi Đình Hảo đã làm rất được việc, xã tiếp tục quyết định đưa anh vào chức vụ đội trưởng đội an ninh xã. Trầm tư hồi lâu, anh Hảo tâm sự: “Đó là cái may mắn đầu tiên để tôi hòa nhập được với xã hội, và tôi đã mang ơn ông Tằng!”. Bằng cái uy một thời của một đại ca bãi vàng, của một con nghiện, bằng những tâm sự, khuyên can của kẻ đã trải qua quá nhiều lầm lỗi, thôn Phong Cốc trở nên bình yên, tuyệt nhiên không còn xảy ra những chuyện gây đau đầu chính quyền địa phương và nhân dân. Nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc ấy, khi hết nhiệm kỳ, ông Tằng đã đề nghị cho anh làm chức trưởng thôn và đề nghị ấy đã thành công khi thực tế đã chứng minh cho con người của Bùi Đình Hảo. Đến ngày 19-8-2003, anh tiếp tục được nâng lên chức vụ phó chỉ huy quân sự xã, và một tin mừng đồng thời là một phần thưởng lớn cho anh, anh đã được trúng cử đại biểu HĐND xã. Niềm tin ấy thật xứng đáng với những gì anh Hảo đã làm được, đặc biệt là đối với một người có đủ nghị lực để vượt qua những lỗi lầm mà có thể rất nhiều người khác ở vào hoàn cảnh như anh không thể vượt qua. Đó, theo như lời ông Trạm, chính là một bài học quý giá cho biết bao con người đang hoặc đã lỡ bước vào con đường lầm lỗi.
Bình luận (0)