Bất chấp trình độ y học thể thao, vật lý trị liệu ngày một tiến bộ, nhiều cầu thủ "phủi" vẫn phải đối mặt với nguy cơ sớm giải nghệ nếu không biết điều tiết mật độ thi đấu. Tuy nhiên, đời cầu thủ ngắn ngủi, vì miếng cơm manh áo, họ sẵn sàng chạy sô khắp nơi.
Vào các dịp lễ lớn như 30-4, 1-5, 2-9 hay ngày thành lập, ngày kỷ niệm ngành, hàng trăm giải đấu phong trào lớn nhỏ được các doanh nghiệp trên khắp cả nước tổ chức luôn thu hút giới bóng đá phong trào đi "săn" giải. Cũng nhờ vậy mà giới "đá phủi" được xỏ giày quanh năm.
Chạy sô như ca sĩ
Đặc biệt, mùa "làm ăn" của cầu thủ "phủi" thường rơi vào nửa cuối tháng 4 kéo dài đến đầu tháng 9, sau đó tiếp tục nhộn nhịp lúc cận Tết nguyên đán. Các cầu thủ "phủi" nổi danh sân bóng phong trào ở TP HCM như Cáp "Capdevilar", Quốc "Dejong", Trung "nhóc", Đạt "mập"... hay ở miền Bắc có Phương Vertu, Thắng "Xavi", Giang "say"… mỗi ngày có thể nhận hàng chục cuộc điện thoại đặt chỗ và nếu sắp xếp thời gian hợp lý, họ có thể "cày" 4-5 giải đấu/ngày.
"Làm cái nghề "đá phủi" này nhiều lúc phải chạy sô như ca sĩ. Vừa kết thúc trận bên này là lấy tiền công, xách xe máy chạy sang sân khác, dự giải đấu khác. Có khi mỗi ngày đá từ sáng tới tối, đá chầu cho 4-5 đội, tiền công được 1,5-2 triệu đồng. Thậm chí hôm nào gặp may, được thưởng công nhiều hơn, nhiều anh em xem đó là động lực để nỗ lực chạy sô, kiếm tiền lo cho gia đình" - Quốc Thịnh, một cầu thủ có tiếng trong giới "đá phủi" với biệt danh Messi "cua", chia sẻ.
Quốc "Dejong" (giữa) với chiếc cúp vô địch giải bóng đá truyền thống Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình (ảnh trên) và chiếc cúp vô địch Đại hội TDTT quận Phú Nhuận (ảnh dưới) Ảnh: THẢO ĐÌNH
Không khó để kiểm chứng một "sao phủi" thường đắt sô như thế nào nếu xem chiến tích mà họ khoe trên mạng xã hội. Đơn cử như Quốc "Dejong", một cầu thủ được mệnh danh là "thánh bào", mỗi năm có thể góp mặt ở hàng chục giải đấu, chơi cho nhiều đội bóng phong trào từ làng nhàng đến nổi tiếng.
Chỉ trong vài ngày đầu tháng 10, cầu thủ gốc Huế này đá 4 giải đấu liên tục, giành trọn 4 chiếc cúp khác nhau, như giải futsal Đại hội TDTT quận Phú Nhuận lần 8; giải Đại hội TDTT TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) năm 2017; giải bóng đá Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình lần 8; Giải Bóng đá Sunway Beauty Futsal Club 2017. Tính bình quân ở những giải đấu trên, Quốc "Dejong" chạy sô hàng chục trận đấu, di chuyển bằng xe máy hàng trăm km qua nhiều địa điểm thi đấu.
Lương, thưởng đàng hoàng
Hơn 10 năm bóng đá sân cỏ nhân tạo phát triển tại TP HCM cũng đã hình thành nên một "thị trường chuyển nhượng" với tiền công, tiền thưởng được các ông bầu doanh nghiệp trả theo chất lượng từng cầu thủ, giải đấu. Thú vị ở chỗ bảng lương cũng được quy định rõ ràng và chi tiết không khác gì bóng đá chuyên nghiệp.
Theo tìm hiểu, khi chạy sô đá giải quy mô nhỏ ở sân 5 người, mỗi cầu thủ được trả công từ 200.000-300.000 đồng/trận, còn sân 11 người thì đá chính được 500.000 đồng, dự bị 300.000 đồng không cần biết thắng thua. Một cầu thủ tiết lộ thêm: "Khi đi đá giải cho các công ty, may mắn gặp ông bầu "chịu chơi" thì được thêm tiền thưởng nóng theo từng bàn thắng hoặc thưởng vài chục triệu khi đội tiến sâu vào giải. Giải càng lớn các ông bầu càng chi nhiều để anh em cầu thủ đá hết mình, đội bóng doanh nghiệp có thêm thành tích báo cáo. Chưa kể khi đi thi đấu ở các tỉnh thì tiền thưởng bao giờ cũng cao hơn ở thành phố.
Sau khi giải nghệ bóng đá chuyên nghiệp, cựu cầu thủ Nam Định từng khoác áo U20 Việt Nam Nguyễn Mạnh Tú lăn lộn với sân bóng phong trào. Cũng nhờ chơi bóng mà anh được Công ty Thoát nước đô thị TP HCM bố trí việc làm phù hợp. Ngoài thời gian làm việc ở công ty, phụ gia đình buôn bán, rảnh rỗi lúc nào là Mạnh Tú xách giày đi đá bóng kiếm thêm thu nhập. "Đá phủi cho các doanh nghiệp có 2 loại, loại thứ nhất là tính tiền theo trận không cần biết thắng thua. Loại thứ hai là đá mướn với số tiền gấp đôi nhưng phải thắng mới có. Mức tiền công sẽ tăng dần tính từ vòng bảng cho đến chung kết" - Mạnh Tú nói.
Từ 5 năm về trước, trên nhiều sân bóng phong trào ở TP HCM, nghe đến tên Quốc "tí" rất nhiều người biết tiếng. Hơn 15 năm "đá phủi" nuôi gia đình, Quốc "tí" phải giải nghệ vì chấn thương nặng 2 gối. "Cái gì cũng có giá của nó. Dù biết chạy sô nhiều sẽ đối mặt với nguy cơ chấn thương rất cao nhưng vì miếng cơm manh áo, lúc còn đá được thì tranh thủ "bào", tới đâu hay tới đó" - Quốc "tí" bộc bạch.
Cải trang phóng viên đá giải nhà báo
Chuyện tưởng như đùa nhưng có thật từng 2 lần xảy ra ở giải bóng đá mini Hội Nhà báo TP HCM. Dù biết giới phóng viên thể thao không hề xa lạ dân "đá phủi" nhưng có những đơn vị báo chí vì muốn đạt thành tích cao đã ký hợp đồng lao động 1 năm với những cầu thủ trẻ có trình độ giỏi, thậm chí có người đang khoác áo tuyển futsal Việt Nam về đầu quân. Lần đầu tiên, vì không muốn lớn chuyện, ban tổ chức chỉ nhắc nhở lãnh đạo tờ báo đó rút kinh nghiệm. Sau lần đó, một đơn vị báo chí khác phải tự rút khỏi giải để tránh bị kỷ luật vì "cả gan" thuê hẳn một tổ "đá phủi" thuộc hàng hay nhất TP HCM về thi đấu.
"Nhiều công ty khi mướn chúng tôi về thi đấu đã vội vã ký hợp đồng lao động thời vụ để đối phó với ban tổ chức giải rồi đưa tờ giấy ghi toàn bộ thông tin về đơn vị để mình học thuộc, dặn mình khai là bảo vệ hay nhân viên gì đó. Đá kiểu này thì trận nào cũng nơm nớp sợ gặp người quen hoặc giới chuyên môn phát hiện nên vừa đá vừa ngóng, sợ bị loại thì mất cả chì lẫn chài" - một cầu thủ phong trào chia sẻ.
Kỳ tới: Chuyên nghiệp hóa bóng đá "phủi"
Bình luận (0)