U15 PVF gặp U15 Hà Nội T&T trong trận chung kết Giải U15 Quốc gia vừa qua. Đây là 2 lò đào tạo có chuyên môn tốt và có nguồn lực tài chính mạnh. Ảnh: Quang Liêm
Khai tử sau 5 năm
Ra đời vào tháng 9-2007 theo mô hình liên kết, góp vốn giữa 3 bên gồm LĐBĐ TPHCM (góp 15%), Công ty Scavi Việt Nam - thuộc Tập đoàn Corele International của Pháp (55%) và cựu tuyển thủ Pháp Dominique Rocheteau, Trung tâm Bóng đá Scavi - Rocheteau từng được ca ngợi sẽ là một trong những đối trọng chính của Học viện Arsenal - HAGL JMG. Khóa đầu tiên của trung tâm này tuyển chọn được 26 cầu thủ sinh năm 1994-1995, tham gia khóa đào tạo tài năng kéo dài 5 năm với kinh phí đào tạo khoảng 200.000 USD/năm. Khi đó, với việc mời được hàng loạt chuyên gia Pháp thuộc Trung tâm Đào tạo Clairefontaine đến tuyển chọn và huấn luyện, rất nhiều người đã nghĩ đến một tương lai màu hồng cho Scavi - Rocheteau.
Thế nhưng chưa đầy 5 năm, Scavi - Rocheteau đã bị khai tử không kèn không trống vào cuối tháng 3 vừa qua, ngay sau khi đội bị loại ở vòng loại Giải U19 Quốc gia. Nguyên nhân giải tán trung tâm bóng đá vốn đặt trụ sở ở Trung tâm TDTT Thành Long này chỉ được những người có trách nhiệm lý giải một cách rất ngắn gọn là “nhà tài trợ hết kinh phí”. Theo người trong cuộc, việc Scavi - Rocheteau cố gắng duy trì cho đến khi khóa đầu tiên chính thức ra lò rồi mới giải tán cũng đã là một sự cố gắng. Thành quả và cũng là niềm an ủi duy nhất mà lò đào tạo này có được chính là việc cung cấp được một cầu thủ cho đội tuyển U19 Việt Nam sẽ tham dự Giải U19 Đông Nam Á sắp tới, đó là hậu vệ Nguyễn Đỏ. Số cầu thủ còn lại được chuyển giao cho LĐBĐ TPHCM nhưng chưa rõ tương lai của lứa cầu thủ này sẽ ra sao.
Đầu tư tốt sẽ thành công
Ra đời sau Scavi - Rocheteau 2 năm, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (gọi tắt là PVF) ban đầu cũng chọn Trung tâm TDTT Thành Long làm nơi đào tạo, mãi đến năm 2011 mới chuyển về quận 9 - TPHCM. Sau gần 4 năm hình thành, PVF được xem là một trong những lò đào tạo bài bản và đã có những kết quả ấn tượng. Điển hình là trong một tháng trở lại đây, các đội bóng U13 và U15 của PVF thay nhau vô địch giải trẻ quốc gia. Thành công có được là nhờ PVF thu hút được các HLV, chuyên gia giỏi trong nước lẫn quốc tế về đào tạo.
Tất nhiên không phải học viện hay lò đào tạo nào cũng có được đầu tư căn cơ, giàu tiềm lực kinh tế như Arsenal-HAGL JMG hay PVF. Hệ quả tất yếu là nhiều mô hình đào tạo do doanh nghiệp hoặc tư nhân thực hiện đã và đang rơi vào cảnh điêu đứng, “chết yểu” vì thiếu kinh phí. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn tính đường rao bán đội bóng thì việc chăm lo cho các lò đào tạo trẻ càng khó khăn hơn. Sự kiện Scavi - Rocheteau giải tán hay trước đó là Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ VST của anh em nhà Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Hùng bị khai tử là dự báo nguy cơ sẽ còn một số học viện, trung tâm đào tạo trẻ khác sẽ chết yểu trong thời gian tới nếu không có kế hoạch dài hạn và tiềm năng tài chính.
Bình luận (0)