xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dấu ấn châu Á trên đỉnh nước Anh

Đào Tùng

Lễ đón cúp vô địch nước Anh rạng sáng 8-5 của CLB Leicester trở nên đáng xem hơn với CĐV châu Á khi tất cả chứng kiến niềm vui rạng rỡ của vị chủ tịch Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha cùng ngôi sao Nhật Bản S.Okazaki

Không sở hữu bản năng “sát thủ” như J.Vardy, cũng chẳng có khả năng kiến tạo tài tình như R.Mahrez nhưng những đóng góp của Okazaki được đánh giá cao không kém 2 đồng đội nay đã là những “quý ông thành Leicester”. Lần gần nhất Okazaki lập công là bàn thắng duy nhất ghi vào lưới Newcastle hôm 14-3, một tuyệt phẩm “xe đạp chổng ngược” đồng thời là đòn quyết định, giúp Leicester tái lập khoảng cách 5 điểm với Tottenham ở cuộc đua đến ngôi vô địch từ sau vòng đấu 30.


Okazaki - người hùng thầm lặng trong chức vô địch Anh của Leicester Ảnh: REUTERS

Okazaki - người hùng thầm lặng trong chức vô địch Anh của Leicester Ảnh: REUTERS

Đấy mới là bàn thắng thứ 6 của Okazaki mùa này trên mọi đấu trường (1 bàn ở FA Cup), con số tuy khá khiêm tốn nhưng lại ghi nhận nỗ lực tuyệt vời của một chiến binh. Tranh chấp bóng không khoan nhượng, di chuyển không mệt mỏi trong vai trò hộ công cho Vardy hay bất cứ tiền đạo nào đá ngay phía trên, Okazaki còn tích cực lùi về hỗ trợ hàng thủ mỗi khi Leicester mất bóng. Chỉ riêng yếu tố này đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao bởi ngay tại Giải Ngoại hạng, chơi cùng vị trí với Okazaki, những tiền vệ tấn công thực thụ như Ozil, Coutinho hay Mata chỉ làm rất hời hợt nhiệm vụ phòng ngự.

HLV Ranieri coi Okazaki là “người hùng thầm lặng” khi tiền đạo người Nhật Bản âm thầm làm nền cho thành công của đội, không kêu ca, luôn nhẫn nại và “cháy” hết mình với nhiệm vụ được giao. Ông thầy người Ý hiếm khi thay đổi đội hình xuất phát Leicester mùa này do lực lượng quá mỏng và Okazaki được ra sân nhiều thứ tư, chỉ sau thủ môn Schmeichel và cặp trung vệ W.Morgan, R.Huth, ngang bằng với Albrighton, Vardy và Mahrez.

34 trận/38 vòng cho một cầu thủ châu Á là con số rất đáng khâm phục, nhất là với một tân binh cập bến làng bóng xứ sương mù chưa đầy mùa giải như Okazaki. Trước đó, khi khoác áo Mainz 05 và Stuttgart, Okazaki được bình chọn là “cầu thủ Nhật Bản xuất sắc nhất Bundesliga”, vượt cả đồng hương lừng danh S.Kagawa ở cấp độ CLB. Cần nhớ, bảng thành tích cá nhân của Okazaki còn có chức vô địch Asian Cup 2011 cùng với đội tuyển Nhật và mới đây anh còn ghi bàn trước Afghanistan ở vòng loại World Cup 2018, chỉ vài ngày sau bàn thắng vào lưới Newcastle.

Trước Okazaki, nhiều cầu thủ Nhật Bản đã lên ngôi ở các giải quốc gia châu Âu, như H.Nakata vô địch Serie A mùa 2001-2002 với AS Roma hay chính Kagawa 2 lần vô địch Bundesliga, vô địch Ngoại hạng Anh với M.U. Tuy nhiên, đấy là những Roma và M.U đầy ắp ngôi sao đắt giá trong đội hình, quá vượt trội so với cả đội bóng Leicester chỉ có tổng giá trị 54,5 triệu bảng, bằng số tiền Man City mua về De Bruyne mùa trước. Okazaki tự hào sở hữu bản hợp đồng giá trị nhất được mua về trong 2 năm qua ở Leicester, mức phí cũng chỉ khoảng 7,8 triệu bảng trong khi số tiền Leicester mua Vardy là 1 triệu bảng, Mahrez là 400.000, Kante hơn 5 triệu…

Leicester vô địch, người vui mừng nhất hẳn phải là tỉ phú Vichai Srivaddhanaprabha, người bỏ ra 40 triệu bảng mua lại đội bóng này năm 2010, sau khi hoàn tất hợp đồng tài trợ áo đấu trong 3 mùa trước đó. Ông chủ chuỗi cửa hàng miễn thuế King Power nổi tiếng tại Thái Lan không phải người tiên phong trong việc thâm nhập thị trường Anh qua ngả bóng đá. Trước ông, tỉ phú kiêm chính trị gia Thaksin Shinawatra đã từng mua CLB Man City năm 2007 với giá 86 triệu bảng và bán lại cho Tập đoàn Abu Dhabi Group 200 triệu bảng ngay năm sau đó…

Không vứt tiền vào thị trường chuyển nhượng để mua sắm ngôi sao, Leicester của nhà Srivaddhanaprabha tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ chuyên môn và thể lực cho cầu thủ, hình thành lực lượng tuyển trạch viên giàu chuyên môn săn tìm cầu thủ tài năng từ khắp nơi với chi phí thấp. Quan trọng hơn cả, Leicester mời được về HLV Ranieri, nhà cầm quân giỏi chuyên môn nhưng chưa có duyên với những giải đấu lớn. Được Leicester trọng dụng, ông thầy người Ý đã thỏa sức làm việc, thổi bùng ngọn lửa khát vọng nơi các cầu thủ, truyền động lực và cả niềm tin để đội bóng “hạng xoàng” này viết lại chương mới trong lịch sử 132 năm của mình, một câu chuyện thần tiên thời hiện đại.

Ở trận đấu sớm nhất vòng áp chót, Norwich thua M.U 0-1. Tối 8-5, bóng đá châu Âu có 2 đại chiến lúc 22 giờ: Man City - Arsenal (K+PM) và Real Madrid - Valencia (K+PC).

góc nhìn

Bao giờ bằng người Thái?

Chín năm sau thương vụ mua lại CLB Manchester City của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người hâm mộ Việt Nam lại phải nhìn sang bóng đá Thái Lan bằng ánh mắt ghen tị khi chứng kiến “hiện tượng” Leicester City của doanh nhân Vichai Srivaddhanaprabha lên ngôi vô địch Giải Ngoại hạng Anh mùa 2015-2016.

Cách biệt lớn về chuyên môn, bứt xa về thành tích cũng như định hướng phát triển, bây giờ ngay cả cách xây dựng hình ảnh, Thái Lan cũng luôn đi trước bóng đá Việt Nam cả chục năm. Nói không xa, khi cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin bỏ ra 82 triệu bảng Anh mua lại Manr City năm 2007, cùng năm đó ông chủ của HAGL Đoàn Nguyên Đức cũng đã tiếp cận Arsenal, đội bóng có vị thế lớn hơn Man “xanh” rất nhiều ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, tham vọng muốn mua lại cổ phần Arsenal của bầu Đức vì nhiều lý do đã không thành. HAGL đành hài lòng với thương vụ hợp tác cùng Arsenal và Học viện JMG, xây dựng nên “lò” đào tạo trẻ ở Pleiku. Năm 2008, thời điểm đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup, tạo tiền đề cho V-League trở thành giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á với hàng trăm thương vụ mua bán cầu thủ tiền tỉ, khán giả kéo nhau đến sân chật kín..., ai cũng tin rằng bóng đá Việt Nam đã bắt kịp Thái Lan.

Khi đó, Thai-League buộc phải cải tổ toàn diện, thuê chuyên gia từ Anh để định hướng phát triển giải trong nước, các CLB cũng phải xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư, bắt chước y hệt V-League. Tuy nhiên, 6 năm kể từ thời điểm mà LĐBĐ Thái Lan nhận ra sai lầm và sửa chữa, đội tuyển quốc gia của họ vào vòng quyết định khu vực châu Á tranh vé dự World Cup 2018, các đội trẻ thống trị khu vực, Thai-League kiếm gần 50 triệu USD tài trợ/năm và vinh dự nhất là có tỉ phú người Thái sở hữu Leicester với câu chuyện cổ tích: Vượt mặt “ngũ đại gia” lên ngôi vô địch.

Nhiều người hâm mộ Việt tiếc nuối vì nếu thương vụ mua lại Arsenal của bầu Đức thành công, bóng đá Việt có rất nhiều cơ hội để cất cánh. Vì thời điểm đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng đang ăn nên làm ra nên nếu thấy HAGL làm được, chắc chắn không ít ông bầu sẵn sàng đầu tư cho bóng đá trong nước cũng như bỏ tiền mua các CLB quốc tế để đánh bóng thương hiệu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chiến lược làm bóng đá ở Việt Nam cũng chỉ mang tính thời vụ, thích bắt chước thay vì xây dựng căn cơ, hoạch định bài bản. Chỉ riêng câu chuyện về đào tạo trẻ cũng đủ nói lên, sẽ còn rất lâu bóng đá Việt mới bắt kịp Thái Lan. Chưa kể trong thời điểm kinh tế khó khăn, các ông bầu bận kinh doanh còn bóng đá chưa thể tự nuôi bóng đá như ở Việt Nam, còn rất lâu nữa mới có một đại gia nghĩ đến chuyện mua một CLB ở một giải hàng đầu châu Âu, chưa nói đến chuyện vô địch! Minh Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo