Giành đến 5 ngôi vô địch trên đất Myanmar, bơi lội Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ góp mặt trong tốp đầu khu vực trong năm vừa qua. Đó cũng là cơ sở để các kình ngư trẻ phấn đấu vươn tới các cột mốc mới trên đấu trường quốc tế, cụ thể là đạt thành tích cao hơn tại Á vận hội (Asiad) 17 - 2014 ở Incheon (Hàn Quốc) và Olympic trẻ thế giới (Nam Kinh - Trung Quốc). Những sự kiện thể thao quan trọng khác như Giải Vô địch Đông Nam Á lần II (Singapore), Giải Vô địch thế giới (Qatar) hay Đại hội Thể thao biển (Phuket - Thái Lan), bơi lội Việt Nam cũng có những chỉ tiêu hết sức cụ thể cho chính mình.
Thi đấu tốt đã khó, giành huy chương tại Asiad 17 lại càng khó hơn khi lực lượng thể thao toàn châu lục cùng góp mặt, đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư đặc biệt và mang tính đột phá mới hy vọng đạt chỉ tiêu. Niềm hy vọng huy chương được đặt vào kình ngư trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên ở nội dung sở trường 200 m ngửa, cự ly mà cô từng phá rất sâu kỷ lục SEA Games 27 tại Myanmar (2 phút 14 giây 80). Chỉ số thành tích trong tập luyện của Ánh Viên còn tốt hơn nhiều nên quá trình tập huấn tại Mỹ từ đầu năm 2014 của thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn chính là nhằm tăng cường sức bền chuyên môn và cải thiện thông số thành tích cho Ánh Viên.
Cùng với Ánh Viên, những VĐV đã giành huy chương tại SEA Games 27 vừa qua như Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi đều nhận được chế độ đầu tư đặc biệt với nguồn kinh phí tập huấn và thi đấu lên đến khoảng 200.000 USD, từ sự hợp tác của các đơn vị chủ quản cùng với bộ môn và Hiệp hội Bơi lội Việt Nam.
Bên cạnh nhiệm vụ phấn đấu có huy chương tại Incheon, bơi lội Việt Nam còn phải tận dụng tốt mọi cơ hội thi đấu để các VĐV có thể đạt chuẩn tham dự Olympic 2016. Đây chính là mục tiêu cao nhất, không chỉ của riêng môn bơi lội mà còn của cả ngành thể thao Việt Nam, dự kiến khoảng 10 kình ngư đạt được tiêu chí này.
Bình luận (0)