Chưa đầy 1 tuần sau khi U23 Việt Nam (VN) hạ Thái Lan 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020, VN lại thắng Thái Lan 1-0 trong trận chung kết Giải Bóng đá U19 quốc tế. Không phải ngẫu nhiên trên kênh YouTube Thái Lan khi tiếp sóng trận đấu này, những bình luận qua live chat của các CĐV Thái Lan đã thất vọng đến tột cùng. Một không khí bi quan, giận dữ giống như các CĐV bóng đá (BĐ) VN suốt bao năm qua đã từng gánh chịu khi BĐVN luôn thất bại mỗi khi giáp mặt với Thái Lan.
Đã đến lúc BĐVN qua mặt Thái Lan? Trước khi trả lời, chúng tôi muốn cung cấp thêm một thông tin: Thái Lan còn có một đội U19 khác thi đấu ở Ấn Độ. Còn trong trận chung kết, đội Thái Lan đã thiếu cầu thủ xuất sắc nhất - nhạc trưởng Promsrikaew (7) - do phải trở về thi đấu cho Chonburi FC ở Thai League vì hết thời gian dành cho lịch thi đấu quốc tế của FIFA.
Cái được lớn nhất và rõ nhất trong thời gian qua là các cầu thủ VN ở mọi cấp độ đã không còn sợ hãi khi đối mặt với các cầu thủ Thái Lan. Họ không chỉ trút bỏ gánh nặng tâm lý mà còn tự tin là sẽ chiến thắng. Điều gì giúp cho các cầu thủ VN tự tin. Do thành tích BĐVN liên tục vượt mặt Thái Lan suốt 15 tháng qua? Do VN vừa vô địch AFF Cup 2018 trong khi Thái Lan phải dừng chân ở bán kết? Và mới đây, đội U23 VN thắng đẹp Thái Lan đến 4-0 trong trận quyết định tranh ngôi đầu bảng K ở vòng loại để giành vé chính thức tham dự vòng chung kết (VCK) Giải U23 châu Á 2020?
Bóng đá Việt Nam đang vượt qua Thái Lan ở cấp độ trẻ và các đội tuyển quốc gia do HLV Park Hang-seo dẫn dắt trong 15 tháng qua Ảnh: Ngọc Linh
Những chiến tích đó sẽ không thành hiện thực nếu như BĐVN không có nền tảng bóng đá trẻ đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu và đang trải dài từ Bắc chí Nam. Ở miền Bắc có Học viện PVF với cơ sở vật chất hàng đầu châu Á, có Viettel dự báo là thế lực mới của BĐVN trong tương lai gần, ông bầu Đỗ Quang Hiển tuy không có học viện cho riêng mình nhưng có cách làm khác là đầu tư kinh phí cho ngành thể thao thủ đô đầu tư đào tạo trẻ.
Mới đây, đã có thêm Học viện Bóng đá trẻ Bamboo Airways ở Thái Bình. Lên Tây Nguyên, BĐVN có Học viện HAGL JMG của Bầu Đức, vào TP HCM có Học viện NutiFood, rồi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng mở Học viện Juventus ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra còn có những lò của nhà nước như SLNA, cùng nhiều lò đào tạo nho nhỏ của tư nhân ở Hà Nội, TP HCM. Sự tham gia của xã hội, của các doanh nghiệp tên tuổi đã cho chúng ta niềm tin BĐVN sẽ phát triển.
Niềm tin càng vững chắc hơn khi quan điểm đào tạo trẻ đã có một thay đổi rất quan trọng: song song đào tạo chuyên môn là chuyện học văn hóa của các cầu thủ trẻ được đặc biệt chú ý và chăm lo khá tốt. Chính quan điểm này mà các phụ huynh đã không ngần ngại cho con em mình đi theo bóng đá, một con đường mà giờ đây có thể giúp các cầu thủ đổi đời thực sự.
Không chỉ phát triển về công tác phát hiện, đào tạo trẻ, mà ngay cả việc tạo ra những giải đấu cho các giải trẻ cũng nở rộ. Nếu không có gì thay đổi, sau hơn 20 năm tổ chức thành công các VCK giải bóng đá U21 quốc gia và quốc tế, sau này có thêm hai giải U19 quốc gia và quốc tế thì ngay trong năm 2019 này, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên sẽ đảm nhận tổ chức thêm 2 giải U15 và U17 từ vòng loại cho đến VCK.
Đặc biệt, kể từ Giải U21 quốc gia 2019, nhằm tăng số lượng trận đấu để các cầu thủ có điều kiện cọ xát, rèn luyện nâng cao chuyên môn, BTC đang bàn với VFF thay vì thi đấu một lượt ở vòng loại sẽ là 2 lượt đấu đi - về. Các địa phương giờ đây cũng hào hứng đăng cai tổ chức các giải trẻ như Gia Lai, Huế, Khánh Hòa... và các trận đấu giải trẻ cũng đã có sức hút hơn với người hâm mộ.
Trước thực trạng này, khi cái chân đế ngày càng vững chắc thì BĐVN vượt qua Thái Lan sẽ không xa. Để ước mơ này sớm thành hiện thực đòi hỏi ngôi nhà BĐVN phải hoàn thiện phần trên, đó là hệ thống thi đấu đỉnh cao. Nên nhớ Thai League có 18 đội, Hạng nhất có 20 đội rồi Hạng ba, giải trẻ... mỗi năm các cầu thủ trẻ được thi đấu không dưới 40 trận, còn các cầu thủ lớn không dưới 50 trận. Trái lại V-League có 14 đội, còn số lượng đội tham gia ở Hạng nhất, Hạng nhì lại ít hơn, đó là nghịch lý.
Giữ và phát triển nền móng
Nguyên HLV đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl đã có câu nói bất hủ: "BĐVN xây nhà từ nóc". Nhưng từ 10 năm qua, nhờ sự đóng góp của xã hội mà BĐVN đã và đang xây từ nền móng, từ đó mới có được sự lột xác như ngày hôm nay, trong đó có công không nhỏ của HLV Park Hang-seo.
Phần còn lại giờ đây đang thuộc về VFF. Bởi nếu không sớm điều chỉnh và có kế hoạch, chiến lược định ra thời gian cụ thể tái cấu trúc hệ thống thi đấu đỉnh cao thì không loại trừ khả năng chúng ta sẽ lại rơi vào tâm trạng bi quan như các CĐV Thái Lan hiện nay.
Bình luận (0)