Nói Minh Đức xuất sắc vì Đức đã vượt qua chính mình khi thắng những tay vợt nước ngoài có thứ hạng cao hơn Đức. Đặc biệt trong trận chung kết Đức với thứ hạng 1.170 trẻ ITF đã bất ngờ thắng hạt giống số 2 người New Zealand hạng 467 trẻ ITF Reece Falck. Bất ngờ vì vị trí của Đức không chỉ thấp hơn Reece đến 703 bậc mà Reece vừa mới đăng quang ở giải ITF nhóm 4 - có trình độ cao hơn nhóm 5 - cũng vừa kết thúc ở TP.HCM trước đó một tuần.
Với 30 điểm có được từ chức vô địch, thứ hạng sắp tới của Đức sẽ nhảy lên khoảng 300 bậc.
Minh Đức và ông Thái Trường Giang. Ảnh: Fanpage Hai Dang Tennis Team
Thế nhưng, trên fanpage Hai Dang Tennis Team, ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hải Đăng - nhà tài trợ đồng thời là nhà tổ chức giải và cũng là đơn vị chủ quản của Minh Đức đã nhận định như sau: "Thể thao nói chung và quần vợt nói riêng rất khắc nghiệt, ở tuổi 14 Lý Hoàng Nam đã vô địch nhóm 5. miệt mài chiến đấu đến giờ này vẫn còn Top 500 dù có lúc đã vươn lên TOP 400. Mới hôm nào Văn Phương được ca ngợi lên tận mây xanh "cậu bé nhặt bóng thắng tay vợt triệu đô-la",... vào top 50 ITF. Thế thì sao Văn Phương phải bắt đầu lại từ đầu, tìm từng điểm ATP? Trịnh Linh Giang - tay vợt số 2 Việt Nam hiện nay cũng thế. So với 3 đàn anh kể trên, Minh Đức kém rất nhiều về mọi mặt, nhất là thể trạng. Thành quả hôm nay chưa nói lên được đẳng cấp. Vui vì cũng phần nào khẳng định được chất lượng đào tạo của Trung tâm thể thao Hải Đăng, một chút gì đó lo lắng vì truyền thông tâng bốc nhiều quá, phụ huynh không kiểm soát hạnh phúc, liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của cháu không? Ai sẽ chia sẻ nỗi buồn nếu thời gian tới cháu thất bại? ... Minh Đức con phải cố bình tĩnh kiểm soát bản thân, hãy quên đi những lời khen tặng phía trước còn rất nhiều khó khăn, đây cũng là lời nhắn nhủ cho các vận động viên khác trong trung tâm Hải Đăng".
Cần biết rằng - với quần vợt - ngoài sự hỗ trợ của doanh nghiệp rất cần đến vai trò cá nhân vận động viên từ tài năng, tố chất cho đến sự cần cù, siêng năng cũng như là lối sống. Ngoài ra vai trò của gia đình cũng rất quan trọng và chiếm vị trí không nhỏ trong việc hình thành và phát triển của các tay vợt.
Có một thực tế này cần phải nhớ: Quần vợt Việt Nam hiện nay chưa có tiếng nói chung từ bốn đối tượng: Doanh nghiệp, xã hội, vận động viên, gia đình. Trong đó ai cũng thấy mình là quan trọng. Doanh nghiệp thì nghĩ họ là nhà đầu tư; vận động viên cho rằng tôi mới là người đem về vinh quang; gia đình thì can thiệp, đòi hỏi quyền lợi cho con em mình, trong khi đó xã hội thì không quan tâm. Truyền thông gần như tập trung cho bóng đá do đó giá trị thương mại của quần vợt ở môi trường Việt Nam còn rất thấp.
Từ thực trạng này mới thấy giá trị cùng sự tỉnh táo trong nhận định của ông Thái Trường Giang. Bởi ông Giang đầu tư quần vợt với khát khao để trong 5, 10 năm nữa Việt nam sẽ có tay vợt nam hoặc nữ vào Top 100 ATP sau khi lần lượt chinh phục những cột mốc hơn Hoàng Nam bây giờ là TOP 300, 200 rồi 100.
Với những mục tiêu đó, rất cần những lời giáo huấn chân thành để các bạn trẻ thành công như của ông Thái Trường Giang. Bởi ông bà đã nói: "Thương cho roi cho vọt", là vậy!
Bình luận (0)