khi bài viết "Làng quyền Anh ngóng tiền công SEA Games" đăng tải trên Báo Người Lao Động ngày 5-10, thì trước đó không đầy 10 giờ, 2 trọng tài Bùi Thị Nhật Lệ và Nguyễn Văn Hiếu mới nhận được mỗi người gần 2 triệu đồng tiền ăn trong những ngày phục vụ SEA Games, từ tài khoản cá nhân của ông Vũ Đức Thịnh, chuyên viên phụ trách Bộ môn quyền Anh thuộc Tổng cục TDTT.
Trọng tài, bác sĩ Lê Việt Phú phải đến sáng 5-10 mới nhận được khoản tiền tương tự, cũng được chuyển từ tài khoản cá nhân của ông Vũ Đức Thịnh. Một số trọng tài đã được nhận tiền ăn rải rác từ tháng 7 và 8, riêng ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch VBF, Ủy viên Ban Tổ chức SEA Games môn quyền Anh, tối 5-10 nhận một khoản tiền do tài khoản đứng tên "Ban Tổ chức đại hội thể thao" chuyển và không ghi rõ nội dung chuyển.
Công văn 70 của VBF đề nghị làm rõ các khuất tất ở môn quyền Anh tại SEA Games 31
Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với phát biểu của ông Vũ Đức Thịnh trên một tờ báo ngày 5-10 rằng tiền ăn, tiền di chuyển khi làm nhiệm vụ của các trọng tài đều đã được thanh toán theo đúng quy định.
Theo đó, Công văn số 70 ký ngày 29-10-2022 mà VBF gửi lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), lãnh đạo Tổng cục TDTT đề nghị xem xét, kiểm tra, xác minh những vấn đề mà các cơ quan truyền thông đề cập.
Cụ thể, chỉ riêng việc tiền ăn, tiền di chuyển cho lực lượng trọng tài mà phải 5 tháng sau khi SEA Games kết thúc mới được thanh toán cũng đã khiến dư luận bức xúc. Số tiền làm nhiệm vụ được chi trả xuất phát từ một tài khoản cá nhân cũng là điều để dư luận dị nghị, thậm chí hoài nghi về tính minh bạch.
Công văn 70 của VBF cũng nhấn mạnh sau 19 năm, thể thao Việt Nam mới được trao quyền đăng cai SEA Games và hầu hết các bộ môn thể thao tại Việt Nam đều tạo điều kiện, triệu tập lực lượng trọng tài quốc gia tham gia phục vụ SEA Games 31 để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.
Riêng môn quyền Anh, dù Liên đoàn Quyền Anh châu Á có văn bản chính thức yêu cầu VBF cử 14 trọng tài quốc tế đẳng cấp 1 sao của Việt Nam tham gia điều hành SEA Games 31 nhưng Bộ môn quyền Anh thuộc Tổng cục TDTT chỉ sử dụng 7 người. Lực lượng trọng tài thuộc VBF đã trực tiếp làm nhiệm vụ tại các giải trong hệ thống quốc gia trong những năm vừa qua bị gạt bỏ, thay vào đó là sử dụng nhân sự từ môn võ khác sang đảm nhiệm.
Trong phần kiến nghị, VBF đề nghị lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT xem xét và kiểm tra công tác thanh, quyết toán kinh phí ăn, nghỉ, làm nhiệm vụ, di chuyển… của lực lượng làm nhiệm vụ môn quyền Anh tại SEA Games 31. Ngoài ra, cũng cần làm rõ vì sao Tổng cục TDTT không đồng ý cho các trọng tài quyền Anh quốc tế 1 sao làm nhiệm vụ, thay vào đó, điều nhân sự trọng tài làm từ 2 môn kickboxing và boxing? Việc VBF không được tham khảo và tham gia soạn thảo Điều lệ thi đấu môn quyền Anh tại SEA Games 31 có đúng tinh thần và nội dung Luật Thể dục Thể thao sửa đổi 2018, Thông tư 01/2021/TT-BVHTTDL, Điều lệ SEA Games 31?
Bình luận (0)