Truyền thuyết
Phiên chợ tình yêu trên vùng núi đá tai mèo này có từ bao giờ, cho đến nay vẫn không ai biết. Cũng chưa có một nhà nghiên cứu nào bỏ công thực sự tìm hiểu xem tục chợ bắt nguồn từ đâu. Một đêm cuối tháng tư, trong ánh lửa bập bùng hắt lên cao phên vách, tại nhà của một người dân tộc H’Mông tên Giàng A Năm, nâng chén rượu ngô đậm đà của gia chủ mời khách quý từ phương xa tới, tôi được nghe anh Năm kể cho nghe truyền thuyết về phiên chợ có một không hai này: “Người xưa kể lại rằng, xưa kia có một chàng trai người Mông yêu cô gái người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau tha thiết, thề non hẹn biển, tưởng không gì có thế cách chia. Thế nhưng, từ ngàn xưa, trong mỗi bộ tộc đã đặt ra một lệ luật rằng, tất cả trai gái lớn lên, đến tuổi trưởng thành chỉ được phép tìm hiểu và đi đến hôn nhân với người trong bộ tộc mình. Chính vì lẽ đó, tình yêu của chàng trai Mông và cô gái Giáy dẫu có nồng nàn đắm say nhưng đi trái với luật tục của bộ tộc đã gây nên một cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bộ tộc. Máu đã rơi và bao nhiêu mạng người đã ngã xuống. Để chấm dứt cảnh tàn sát giữa hai bộ tộc, chàng trai và cô gái đã phải chia tay nhau trong nước mắt. Họ thề với nhau dù có đi đâu, về đâu, có lấy chồng, lấy vợ thì trái tim họ vẫn hướng về nhau.
Đêm trên cao nguyên đá, gió ù ù thổi qua mái nhà thấp lè lè mọc men theo sườn núi, tôi rùng mình vì lạnh. Không hẳn là cái lạnh vì thời tiết khắc nghiệt nơi đây mà là cái lạnh từ bên trong, sau khi nghe câu chuyện tình đẹp nhưng đầy oan trái của đôi trai gái ngày xưa. Anh Giàng A Năm trầm ngâm: “Bây giờ luật tục nơi đây cũng đã có nhiều thay đổi, đời sống khá hơn thì con người cũng phải văn minh hơn chứ! Trai gái khác bản đã có thể bắt vợ bắt chồng mà không nhất thiết phải hai người đều cùng trong một bộ tộc, miễn là phải hội đủ những thử thách mà bên kia đặt ra...”...
Phiên chợ phong lưu
Từ chiều 26-3 âm lịch (năm nay nhằm ngày 14-5) từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối... thì đi từ sớm hơn. Khách du lịch chen lẫn với các chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy, Lô Lô... như chảy về xã Khâu Vai. Mặc núi đá tai mèo, mặc núi cao suối sâu và những đoạn đường cua tay áo đầy nguy hiểm, họ náo nức, họ phấp phỏng... vì đêm nay sẽ là một đêm tình yêu lãng mạn thăng hoa, mỗi năm chỉ có một lần... Tôi theo dòng người “chảy” về Khâu Vai. Đây đó đã vang lên tiếng khèn, tiếng hát. Tiếng khèn lá réo rắt, du dương như gọi mời. Tiếng hát thanh thoát của một cô gái Lô Lô nào đó vang lên chộn rộn, tươi vui. Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu... như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất.
Khi ông mặt trời khuất sau mỏm núi phía Tây, sương giăng mù trời, những đống lửa lớn được đốt lên, những can rượu lớn được mang ra là lúc đêm tình Khâu Vai bắt đầu. Tôi len lỏi men theo câu hát: “Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn / Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng / Đôi ta không có lòng thì thôi / Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng lên giọng...” - Xa nơi đống lửa, dưới gốc cây xa mộc thẳng tắp, chàng trai Mông thổi khèn lá rồi cất lên tiếng hát thủ thỉ như một lời tâm sự chất chứa lâu trong lòng. Tôi lặng im lắng nghe. Luồn trong tiếng gió, luồn trong ý nghĩ, giọng một cô gái nào đó đáp lại, đầy chân thành nhưng cũng không kém phần thẳng thắn: “Giờ này trời đã về khuya / Sao đã lượn vòng đổi ngôi / Sương đã phủ trắng / Em chỉ biết mình anh nhưng chưa biết tim anh...”. Chỉ những câu đấy thôi nhưng cũng khiến chàng trai kia tràn trề niềm hy vọng. Biết đâu đấy, cô gái mà từ lâu anh đã thương thầm nhớ trộm, sau đêm nay sẽ về làm con dâu nhà mình? Anh Giàng A Năm kéo tôi đi, tôi thì chần chừ nán lại vì còn muốn nghe tiếp cuộc đối đáp của đôi tình nhân. Chếnh choáng bước đi rồi, vẫn còn vẳng nghe trong gió tiếng anh chàng đầy bạo dạn: “Anh thương em anh đã ngỏ lời / Nếu em thương, anh đón em về làm vợ...”... Anh Năm cười tủm tỉm: “Ngày xưa tao cũng giống như thế! Không làm sao lấy được con vợ tao bây giờ...”.
Tôi nâng chén rượu ngô của một chàng trai bên đường, chừng như uống đã khá nhiều, người cứ rũ xuống nhưng đôi mắt vẫn như đang nhìn về đâu đó xa lắc, dưới chân dốc kia. Tôi đoán chừng, chắc phiên chợ năm trước anh đã hẹn người yêu mà phiên này người yêu anh không đến. Anh mượn rượu, để quên buồn. Anh đến Khâu Vai, để tìm quên. Quên nhưng lòng cố nhớ, không hẳn là đã không còn chút hy vọng...
Lúc này họ là vợ chồng, chốc nữa họ bỏ nhau đi tìm người yêu cũ, vì một lý do nào đó mà trước kia họ không lấy được nhau. Sáng mai ra, tan chợ tan tình... họ lại về sống chung dưới một mái nhà đợi đến phiên chợ năm sau. Không ghen tuông, không thù ghét...
Chợ tình Khâu Vai người Mông đông hơn cả. Huyện Đồng Văn nói riêng và cả tỉnh Hà Giang nói chung nằm chênh vênh trên những mỏm núi đá, cheo veo trên tít tận mây xanh. Thế nhưng mỗi năm phiên chợ, già trẻ gái trai đều kéo nhau về cả. Các chàng trai, cô gái dùng tiếng khèn, tiếng hát để thể hiện tình cảm của mình. Những “Khâu xỉa plềnh”, “Già Xông”... mộc mạc mà chân thành, da diết mà tình cảm. Đó là những bản tình ca giản dị, say đắm. Là sức lôi cuốn của chất trữ tình, nói lên những cung bậc bất tận của tình yêu. Những lời tỏ tình mộc mạc và dễ thương đã được những đôi trai gái trong đêm chợ thổi vào tình yêu chân thật như chính cuộc sống của họ...
Tiếp chuyện chúng tôi, cụ Lầu Pà Khiu nay đã 90 tuổi, ở xã Khâu Vai, cho biết: “Ban đầu nơi đây là chỗ hẹn của những người có tình yêu dang dở, vì một lý do nào đó mà không lấy được nhau. Khâu Vai còn là đêm chợ truyền thống của dân tộc Mông. Chợ tình xưa kia còn được gọi là chợ Phong Lưu, có nghĩa là sự phong tình. Hai chữ chợ tình mới phổ biến từ những năm 1990, khi có khách du lịch đến tham quan. Phiên chợ tình Khâu Vai có rất nhiều ý nghĩa nên được đồng bào nhiều dân tộc hưởng ứng. Từ vài chục năm nay Khâu Vai đã trở thành phiên chợ tìm kiếm tình duyên cho tất cả mọi người...”...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, chợ tình Khâu Vai mỗi năm chỉ họp một lần nhưng phiên chợ Khâu Vai vẫn họp năm ngày một phiên để phục vụ nhu cầu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chợ tình họp từ chập tối đến sáng ngày hôm sau là tan, từ sáng đến trưa lại họp bình thường như các chợ miền núi khác. Sáng sớm ngày 27 là lúc chợ tình có nhiều ý nghĩa nhất. Rượu đã hết, chợ đã tan, giờ chia tay đã đến... Ở ven đường, men theo các sườn núi, các vách đá... từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay nhau. Họ hẹn hò gặp nhau vào một thời gian sớm nhất, còn nếu duyên chưa thắm thì hẹn đến phiên chợ tình năm sau...
Bình luận (0)