Dù cho đến khi ngọn lửa Olympic tắt đi vẫn còn vô vàn sự kiện, nhưng chiến thắng của cô nàng Ito bé nhỏ (chỉ cao 1,52m) cạnh chàng Jun thư sinh đấu bóng bàn mà đeo mắt kiếng như vào hồ bơi, chắc chắn với nước Nhật sẽ trở thành một trong những biểu tượng kỳ vĩ nhất của Tokyo 2020!
Jun Mizutani đeo kiếng như thi bơi bên cạnh đồng đội Mima Ito nhỏ bé
Bóng bàn Trung Quốc – tương tự bóng rổ nhà nghề NBA Mỹ - vốn là đỉnh Everest của thể thao thế giới. Ở giải VĐTG hay Olympic (đơn cử như ở Rio 2016), Trung Quốc vơ vét mọi danh hiệu, quen biến các trận chung kết thành chuyện nội bộ. Khi Trung Quốc quyết định gửi cặp Liu-Xu huyền thoại (đương kim VĐTG và đã đoạt tất cả danh hiệu lớn trừ Olympic, riêng Liu giữ kỷ lục 5 lần vô địch Cúp Bóng bàn thế giới) đến Tokyo, nhiều người đã tin: Thế là xong.
Xu Xin và Liu Shiwen
Tất cả, chỉ trừ người Nhật! Nước chủ nhà đã không bỏ qua chi tiết đôi Liu - Xu gục ngã ở cả 2 giải chuẩn bị Olympic trong nội bộ các tay vợt Trung Quốc. Đặc biệt trong trận chung kết giải thứ nhì, Liu - Xu đã thua ngược đôi trẻ Wang Chuquin - Sun Yingsha dù đã dẫn trước đến 3-1 chỉ sau 4 ván và có cả đống điểm kết thúc trận ở ván 5! Cá nhân Sun Yingsha cũng từng hạ Mima Ito ở bán kết Cup thế giới năm ngoái.
Dư luận Trung Quốc bùng nổ tranh cãi: Có nên chọn đôi Liu-Xu đã lớn tuổi hay không dự Olympic. Khi cựu danh thủ, cũng là Phó chủ tịch LĐBB Trung Quốc Liu Guoliang tuyên bố quyết định chọn bộ đôi dày dạn kinh nghiệm Liu -Xu, trong sổ tay các HLV Nhật Bản cập nhật dòng chữ vắn tắt: Ván 7!
Đôi chủ nhà Mima Ito - Jun Mizutani gian nan vào chung kết
Có vẻ Nhật đã "đọc vị" chọn lựa của phía Trung Quốc từ nửa năm trước khi nước này công bố danh sách các tuyển thủ bóng bàn chính thức. Về phần mình, chủ nhà Nhật Bản đặt niềm tin vào Mima Ito và Jun Mizutani cho dù bộ đôi này thất bại ở Giải VĐQG Nhật Bản 202, có lẽ vì cả hai có lối đánh bạt đờ mi nhanh, tấn công bóng nửa nảy trên mặt bàn chuyên chống các cú giật xa cầu vồng của Xu Xin. Cùng lúc, những ai theo dõi kỹ Ito đều bước đầu "phát hiện" cô nàng tăng tần suất các cú cắt bóng trái tay vuốt ngược bằng đầu vợt tạo hiệu ứng xoáy kiểu chuối (banana), một kiểu cắt bóng không phổ biến lắm ở trong nội bộ đội Trung Quốc…
Hai tay vợt Nhật Bản suýt dừng chân từ tứ kết
Đến Tokyo, trong khi đôi Trung Quốc liên tục giành các chiến thắng tuyệt đối 4-0 kể từ tứ kết, đôi Nhật Bản lại suýt bị hạ knock-out ở tứ kết trước đôi Đức có thứ hạng thấp hơn Patrick Franziska – Petrissa Solja. Hòa 3-3 sau sáu ván, đôi chủ nhà bị đối thủ dẫn điểm khá xa 5-0, 9-2 rồi 10-6, đối diện 4 điểm thua trận! Tuy vậy, màn lội ngược dòng để giành thắng lợi chung cuộc không tưởng 16-14 của Mima Ito-Jun Mizutani thực sự khiến người Nhật như phát cuồng.
Trận chung kết lịch sử nội dung đôi nam nữ
Dân gian vẫn truyền nhau lời "sấm truyền", rằng những kẻ chết hụt sẽ sống rất lâu… Đôi Nhật Bản bình tĩnh chịu đựng 2 ván đầu trận chung kết bị đôi Trung Quốc nghiền ép để rồi vùng dậy và vận hành "điệp vụ Tokyo". Sau khi đã quen tốc độ và quỹ đạo bóng của Xu Xin, những cú đờmi nhanh của Ito lẫn Jun bắt đầu tỏ ra hiệu quả.
Đôi Trung Quốc thất bại sau cú đánh rúc luới của Xu Xin
Cùng với các tình huống cắt bóng quái của Ito, thêm chiêu ép công vào vị trí của Liu Shiwen (lớn tuổi và phản xạ chậm), trận chung kết được kéo về tỷ số set 3 – 3. Ở ván 7 như dự tính, chênh lệch tuổi tác và sức ép tâm lý đã lên tiếng. Đôi Nhật trẻ trung nhanh chóng dẫn 8-0, để rồi ngay cả Xu Xin dày dặn kinh nghiệm cũng quyết định liều: Đang đối đầu 4 điểm thua trận vẫn mạo hiểm đỡ giao bóng bằng cú giật độ khó cao, và rúc lưới!
Niềm vui chiến thắng
... và nỗi buồn
Cả nước Nhật vỡ oà. Lần này, cơn địa chấn không là hiện tượng tự nhiên. Đúng theo phong cách Nhật, vô vàn tiểu tiết đã được bàn luận và sẵn sàng cho cuộc lật đổ được mong đợi bậc nhất tại Thế vận hội 2020 … Đây là lần đầu tiên, nội dung đôi nam nữ được đưa vào chương trình thi đấu Olympic và cũng là lần đầu tiên kể từ Thế vận hội Athens 2004, Trung Quốc để vuột mất 1 huy chương vàng môn bóng bàn!
Chiến tích đi vào lịch sử bóng bàn thế giới
Bình luận (0)