Thế nhưng điền kinh Việt Nam vẫn khẳng định được sức mạnh trên ngôi đầu Đông Nam Á trong bối cảnh Thái Lan quyết tâm "đòi nợ", còn Philippines ráo riết nhập tịch dàn sao ngoại hòng thay đổi cục diện.
Ba ngày, ra sân 3 lần ở các cự ly gian khổ như 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh đều giành chiến thắng cao nhất, xứng đáng là ngôi sao số 1 của điền kinh Việt Nam cũng như của cả môn thi "nữ hoàng" đại hội lần này. Bên cạnh cô tuyển thủ "bé ốc tiêu" cao chưa đến 1,50 m đến từ Bắc Giang, các đồng đội của cô cũng có màn trình diễn tốt như mong đợi.
Nguyễn Thị Oanh (0962) và Phạm Thị Huệ về nhất nhì cự ly 5.000 m nữ Ảnh: Ngọc Linh
"Bà mẹ bỉm sữa" Nguyễn Thị Huyền sau một thời gian dài rời xa đường chạy để làm thiên chức người mẹ vẫn tỏa sáng trong ngày trở lại với "cú đúp vàng" 400 m và 400 m rào nữ, gương mặt mới toanh Trần Nhật Hoàng được gọi bổ sung phút chót cũng có cho riêng mình 2 tấm HCV danh giá ở đường chạy 400 m và tiếp sức 4x400 m nam, Quách Công Lịch sau nhiều lần lỗi hẹn với các giải đấu lớn, có lúc tưởng phải giải nghệ sớm, đã giải được cơn khô hạn thành tích với tấm HCV cự ly tiếp sức 4x400 m nam...
Giành tổng cộng 16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ, điền kinh Việt Nam tiếp tục khiến Thái Lan (12, 11, 12) phải cam chịu mối hận thất bại ở hai kỳ SEA Games liên tiếp. Hàng loạt khó khăn khi các tuyển thủ chủ chốt người chấn thương, người đã qua thời đỉnh cao khiến bộ môn phải xin rút bớt chỉ tiêu thành tích trước ngày lên đường nhưng đoạn kết có hậu vẫn đến với điền kinh Việt Nam. Vẫn còn những bài học kinh nghiệm đắt giá cần phải được tiếp thu nghiêm túc, từ việc lên kế hoạch, đánh giá đối thủ cũng như trong chỉ đạo thi đấu nhưng tựu trung, bộ môn "nữ hoàng" của Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, chuẩn bị cho những mục tiêu lớn ở tầm châu lục và thế giới mà trước mắt là các suất tham dự chính thức Olympic Tokyo vào mùa hè năm tới.
Bình luận (0)