Trước trận chung kết nữ tại Indian Wells giữa Victoria Azarenka và Serena Williams hôm 20-3, ông Raymond Moore khiến cho làng banh nỉ nữ phải phẫn nộ với phát biểu: “Hiệp hội quần vợt nữ thế giới – WTA – đã quá may mắn khi bám đuôi áo các tay vợt nam. Nếu là một VĐV nữ, tôi hẳn đã quỳ hàng đêm và cảm ơn Chúa vì sự hiện diện của Roger Federer và Rafa Nadal, hai nhân vật xuất chúng đã nâng quần vợt lên tầm cao mới”.
Raymond Moore sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi vì phát biểu “tệ hại và sai lầm” kể trên nhưng quá muộn để cứu vãn tình hình. Cựu danh thủ từng 18 lần vô địch Grand Slam Martina Navratilova lên tiếng kêu gọi các tay vợt nữ tẩy chay giải đấu ở California một khi Raymond Moore còn ngồi ở vị trí điều hành. Trong khi đó, tay vợt nữ số 1 Serena Williams cũng cho rằng Raymond Moore quá sai khi nói ra những điều như trên.
Không đề cập gì đến phát biểu của người điều hành giải đấu Indian Wells, tay vợt nam số 1 thế giới Novak Djokovic cho rằng các tay vợt nữ xứng đáng có được những mức thưởng cao như hiện tại nhưng ủng hộ việc xem xét chia thưởng nhiều hơn cho các tay vợt nam. Ngôi sao người Serbia nói theo phong cách ngoại giao, nhã nhặn và khôn khéo: “Các tay vợt nữ xứng đáng được tôn trọng vì những gì họ mang lại cho quần vợt. Việc tiền thưởng của nữ bằng với nam tại các giải Grand Slam đã có từ 7, 8 năm qua, là kết quả của việc đấu tranh không mệt mỏi của nhiều người cũng như từ WTA. Tôi ủng hộ các tay vợt nữ được nhận những mức thưởng xứng đáng nhưng các tay vợt nam cũng cần được ghi nhận đúng mức công sức. Họ thu hút giới truyền thông, công chúng và nên được nhận thưởng nhiều hơn. Các tay vợt nữ chiến đấu không mệt mỏi vì lý tưởng bình đẳng giới của họ nên không có lý do gì ngăn các tay vợt nam đòi hỏi điều họ xứng đáng được nhận”.
Hiện cả 4 giải Grand Slam trong năm và cả 11 giải Masters đều áp dụng mức thưởng ngang nhau cho các tay vợt nam và nữ, bắt đầu từ năm 2007. Tuy nhiên, mức thưởng sụt giảm rất nhiều khi họ tham gia các giải chỉ dành riêng cho nữ nếu so với các giải có cùng quy mô và đẳng cấp dành riêng cho nam.
Navratilova lập tức phản pháo: “Dù rất yêu quý Djokovic nhưng tôi không hiểu vì sao anh ấy lại nghĩ như thế. Khi nam và nữ chơi cùng một giải đấu, họ được nhận mức thưởng như nhau là công bằng”. Bà Katrina Adams, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội quần vợt Mỹ, chỉ trích Raymond Moore “lạc hậu, phân biệt giới tính, không đại diện cho đa số trong làng quần vợt thế giới” trong khi giám đốc điều hành ATP Chris Kermode khẳng định phát biểu của Raymond Moore làm mất thể diện của làng quần vợt.
Dù lên tiếng ủng hộ ý tưởng của Djokovic nhưng cựu thủ quân đội tuyển Davis Cup nước Anh David Lloyd cũng thừa nhận, quần vợt nữ ngày càng đáng xem hơn từ đầu những năm 90, kể từ khi có sự xuất hiện của Steffi Graf và Monica Seles. “Công chúng sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem các tay vợt nữ thi đấu là thực tế không chối cãi suốt gần 3 thập niên qua”, ông cho biết.
Bình luận (0)