Một năm trước, Federer rút lui không tham dự trận chung kết diễn ra tại sân O2 London, giúp Djokovic tiến thẳng đến ngôi vô địch không tốn giọt mồ hôi nào. Cách đây năm ngày, khi xuất sắc đánh bại Djokovic trong hai ván trắng ở vòng bảng, Federer đã nghĩ đến cơ hội đăng quang đầu tiên sau gần ba năm ròng rã không biết đến chiến thắng ở bất kỳ giải đấu lớn nào.
Niềm tin càng tăng cao hơn khi Federer gặp lại đối thủ người Serbia ở trận đấu cuối cùng mà theo nhận định của giới chuyên môn, đây là dịp may hiếm có để “tàu tốc hành” đưa tên tuổi mình đi vào lịch sử. Chưa có tay vợt nào trong kỷ nguyên mở rộng dự ATP World Tour Finals đến lần thứ 15 như Federer, chưa kể tay vợt người Thụy Sĩ đã 6 lần bước lên bục chiến thắng cao nhất.
Không còn hình ảnh một Djokovic nóng nảy, phạm nhiều lỗi đánh bóng hỏng và nhất là bỏ phí vô số cơ hội ở cuộc đối đầu tại vòng bảng, tay vợt số 1 thế giới người Serbia gần như lột xác hoàn toàn ở trận chung kết. Những pha bóng dài mạnh mẽ, táo bạo với điểm rơi chuẩn xác ở hai góc sân của Djokovic đã làm khó Federer rất nhiều trước khi buộc đối thủ kỳ cựu này gác vợt sau hai ván với tỉ số 3-6, 4-6, gói gọn trong 79 phút so tài.
Chiến thắng hết sức ấn tượng này giúp Djokovic trở thành người đầu tiên đăng quang 4 mùa giải liên tiếp trong lịch sử ATP World Tour Finals. Cộng thêm danh hiệu giành được từ mùa 2008, Djokovic đã bắt kịp thành tích 5 lần vô địch của hai cựu danh thủ Ivan Lendl và Pete Sampras, chỉ còn kém đúng 1 danh hiệu so với người nắm giữ kỷ lục của sân chơi này, không ai khác hơn Roger Federer!
Cũng với việc đánh bại đối thủ đàn anh người Thụy Sĩ, Djokovic đã chính thức lập kỷ lục mới với 82 trận thắng trong năm, đạt hiệu suất 93,2 %. Danh hiệu thứ 11 trong năm 2015 (thứ 59 trong sự nghiệp) mang về cho Djokovic 1.300 điểm cùng hơn 2 triệu USD tiền thưởng, trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử kiếm được trên 20 triệu USD tiền thưởng chỉ trong một mùa giải.
Hàng loạt kỷ lục đã và đang được Djokovic xô ngã và thiết lập mới. Anh bảo vệ thành công danh hiệu số 1 toàn mùa ngay từ sau trận chung kết giải Mỹ mở rộng hồi đầu tháng 9, tức sớm gần bốn tháng, chính thức qua mặt “tiền bối” John McEnroe để vươn lên xếp thứ 5 trong danh sách các tay vợt giàu thành tích nhất của kỷ nguyên mở rộng. Anh bắt kịp số năm (4) thống trị bảng xếp hạng ATP của cựu danh thủ người Mỹ nhưng trội hơn cả về số tuần lễ đứng ở vị trí số 1 lẫn số tuần lễ liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng ATP.
Giành tổng cộng 11 danh hiệu toàn mùa, gồm cả 3 chức vô địch Grand Slam (và vào chung kết giải còn lại là Pháp mở rộng), 6/9 danh hiệu Masters 1.000 và 1 giải đấu cuối mùa, tay vợt người Serbia đã đánh bại toàn bộ 9 đối thủ tên tuổi còn lại trong Top 10 thế giới, thậm chí thắng luôn 9/10 tay vợt xếp hạng từ 11-20 của ATP (trừ Dominic Thiem do chưa có cơ hội chạm trán)!
Theo nhận định của giới chuyên môn, khó tay vợt nào ở thời điểm hiện tại có thể đánh bại được một Djokovic toàn diện từ kỹ thuật, tốc độ đến cách thức tiếp cận, giải quyết trận đấu. Sức bền, sự dẻo dai và kỹ thuật toàn diện cũng là bí quyết đem lại sự thống trị gần như tuyệt đối của tay vợt người Serbia ở làng banh nỉ thế giới hiện tại.
Trẻ hơn Federer 6 tuổi và kém tay vợt Thụy Sĩ đến 7 danh hiệu Grand Slam, Djokovic dù vậy vẫn rất tự tin cho rằng tương lai đang nằm hoàn toàn trong tầm tay anh. Chỉ cần giành thêm 3 danh hiệu nữa, Djokovic sẽ “qua mặt” ba cựu danh thủ Bjorn Borg, Rod Laver và Roy Emerson, 4 lần chiến thắng nữa để tiếp cận Pete Sampras và Rafael Nadal, những người sở hữu 14 danh hiệu lớn, 7 lần để chia sẻ vị trí số một với Federer.
Điều này xem ra không khó với Djokovic khi anh đang ở độ chín của sự nghiệp và tuổi 28 là quá rộng dài về thời gian để anh thực hiện mục tiêu này, miễn là anh duy trì được phong độ tuyệt vời như hiện có.
Bình luận (0)