Tuy vậy, một số cán bộ lãnh đạo LĐBĐ VN và nhiều chuyên gia cho rằng đấy không phải là một giải pháp khả thi. Ông Phạm Quang, Trưởng Ban Đào tạo bóng đá trẻ LĐBĐ VN, cho rằng chương trình đào tạo bóng đá trẻ của LĐBĐ VN đã được hoạch định từ nhiều năm qua nhưng do điều kiện khách quan, việc triển khai bị chậm. Ông Quang giải thích việc đội U14 VN vừa thi đấu ở giải Đông Nam Á 2003 trở về không được LĐBĐ VN duy trì là do khó khăn chung. Nhưng ông Quang cho biết là theo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, việc đào tạo bóng đá trẻ thuộc trách nhiệm của các CLB, địa phương. LĐBĐ VN chỉ tập trung khi có yêu cầu thi đấu cấp đội tuyển quốc gia. Trên thực tế, đội tuyển U14 VN dự giải Đông Nam Á vừa qua là do SLNA đại diện và sau giải, các VĐV được trả về địa phương để tiếp tục tập luyện. Nếu các cầu thủ này còn duy trì tập luyện, họ sẽ được tham gia vào các lớp đào tạo U15 của LĐBĐ VN như hiện nay.
HAGL sẵn sàng tiếp nhận đội U14 VN Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tuyên bố ông sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ các cầu thủ của đội tuyển U14 VN nếu LĐBĐ VN và địa phương quản lý đội gặp khó khăn về kinh phí, không thể duy trì đội. Hiện nay, CLB HAGL đã hoàn chỉnh khu tập luyện của mình tại Pleiku nên việc tiếp nhận đội bóng U14 VN không gặp bất kỳ trở ngại nào. T.T |
Cứ theo giải thích của ông Quang thì liên đoàn không hề giải tán đội U14 mà chỉ... trả các em về lại địa phương để tập luyện. Câu hỏi đặt ra là: Liệu sự quản lý và huấn luyện của địa phương có đủ tầm mức với việc quản lý, huấn luyện một đội tuyển quốc gia? Đâu là trách nhiệm và sự đầu tư trực tiếp về cơ sở vật chất và cả chất xám của bộ máy liên đoàn cho một đội tuyển mầm non vừa giành thành tích cao trên đấu trường khu vực?
Cách làm xưa nay của LĐBĐ VN với các đội tuyển mầm non là chỉ gom quân, chọn cầu thủ để thành lập đội tuyển khi gần đến kỳ dự giải quốc tế. Các nỗ lực đầu tư về vật chất, huấn luyện cũng được tập trung cấp tập trong giai đoạn này. Khi giải đấu kết thúc cũng là lúc các đội tuyển mầm non xong nhiệm vụ, mối liên hệ về phát triển, đầu tư giữa cơ quan chức năng của liên đoàn với từng tuyển thủ hầu như không còn. Việc đội U16 VN thi đấu tưng bừng ở Giải châu Á 3 năm trước nhưng rất hiếm nhân tố trẻ còn tiếp tục phát triển tài năng để trở thành trụ cột của các đội chuyên nghiệp hiện nay phải chăng là hệ quả của cách đầu tư như vậy?
Bình luận (0)