Có thể nói F1 là ngành kinh doanh lớn nhất trong tất cả các môn thể thao vì nó được nhiều người quan tâm. Theo ước tính lên đến 580 triệu khán giả mỗi năm và số lượng này đang ngày càng tăng. Cả ngành công nghiệp F1 đã tạo ra một doanh số 4 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng quyền thương mại của cuộc đua này thôi cũng đã đến 1 tỷ USD. Sở hữu một đội đua có nghĩa là sở hữu hàng trăm triệu USD.
“F1 là một lĩnh vực kinh doanh mà hầu hết những thương hiệu lớn đều muốn tham gia. Môn thể thao này giúp các thương hiệu tiếp cận đến các khách hàng có “đẳng cấp”. Ngoài ra gắn logolên chiếc xe trị giá hàng triệu USD như vậy là khẳng định tính vượt trội, khả năng siêu việt và cao cấp của thương hiệu do đồng hành với tốc độ, vẻ hào nhoáng của đội đua đem lại”, Bernie Ecclestone, Giám đốc Điều hành, Formula One Group, phát biểu trên tờ nhật báo The Guardian của Anh.
Không chỉ bó hẹp ở châu Âu, giờ đây F1 đã xâm nhập sang châu Á. Đường đua F1 ở Kuala Lumper đã được xây không chỉ phục vụ cho hàng chục triệu người Malaysia mà còn tạo cơ hội cho những người mê tốc độ và sự hào nhoáng của môn thể thao này cho các nước lân cận. Gần nhất là đường đua ở Thượng Hải, được coi là lớn nhất và đẹp nhất thế giới cũng mới vừa khánh thành. Còn Ấn Độ, quốc gia lớn thứ 2 thế giới về dân số với cricket là môn thể thao chính giờ đây đã bị F1 chinh phục.
Vì sức hút mạnh của môn thể thao tốc độ này nên hầu hết các thương hiệu quốc tế lớn đều tham gia, từ xe hơi, dầu nhớt cho đến máy tính, phần mềm, rượu, bia, dịch vụ bảo hiểm, … Vì vậy có thể nói doanh thu của các đội đua là từ các nhà tài trợ. Con số tài trợ cụ thể không bao giờ được tiết lộ. Chỉ có nhà tài trợ và đội đua biết mà thôi. Có điều, mỗi cm trên chiếc xe danh giá F1 ước tính hàng triệu USD. Tương tự, mỗi cm trên chiếc áo, nón của tay đua và cả nhóm kỹ thuật, những cô người mẫu bốc lửa cũng tính bằng con số “6 số không”. Mỗi một đội đua có danh sách riêng các nhà tài trợ và thường cam kết ít nhất là 5 năm. Thí dụ như đội McLaren, được thành lập năm 1963 được xem là một những đội đua đáng nể của F1, do nhiều hãng tài trợ như Mercedes, Mobil, Johnnie Walker, Tag Heuer…
Tất nhiên chi phí cho các đội đua thì rất lớn. Mỗi đội đua đều có một trung tâm nghiên cứu riêng với hàng trăm nhà nghiên cứu về động cơ, vỏ xe, hệ thống thắng… Cứ mỗi chiếc xe va chạm, thì coi như hơn triệu USD “đi đứt”. Rồi một nhóm kỹ thuật chuyên trách bảo trì, hỗ trợ cho tay đua. Và các em “bốc lửa” lúc nào cũng “quấn quít” lấy các tay đua trên bục trao giải. Và đặc biệt là những con số “chóng mặt” để được chuyển nhượng những tay đua xuất sắc và một mức lương cứng hàng năm. Ông chủ Ron Dennis của đội McLaren đã phải chi 50 triệu USD để “mua” Kimi Raikkonen về và phải trả mức lương hàng năm từ 35 - 50 triệu USD/ năm, chưa kể các khoản thưởng sau mỗi cuộc đua và chi phí nhà cửa, đi lại, ăn chơi giải trí của anh.
Để khuyến khích tay đua giành chiến thắng, chế độ thưởng không chỉ từ đội đua mà còn từ nhà tài trợ. Thí dụ, nếu tay đua Kimi của McLaren vô địch năm nay thì anh sẽ nhận được từ Johnnie Walker 250.000 USD tiền thưởng cộng với một chuyến nghỉ mát ở một khu resort hạng sang nhất thế giới.
Không đơn giản chỉ để logoxuất hiện trên xe, các thương hiệu “đồng hành” với F1 thường có một chiến lược riêng để tiếp cận đến khách hàng mê tốc độ và quảng bá thương hiệu. Các công ty quảng cáo, dịch vụ tiếp thị cũng có phần. Họ sản xuất phim quảng cáo, thiết kế quảng cáo, tổ chức các sự kiện… Nói chung, mỗi đồng USD-la bỏ vào F1 các nhà tài trợ sẽ được lấy ra thậm chí còn nhiều hơn như vậy qua những hoạt động quảng cáo tiếp thị ăn theo.
Rồi các hãng truyền hình cũng không bao giờ bỏ qua cơ hội làm ăn béo bở này. Họ sẵn sàng trả giá cao trong cuộc chạy đua giành quyền phát sóng độc quyền. Ngược lại họ lại bán lại các spot quảng cáo giá cao “vật vã” cho các thương hiệu, đặc biệt là những thương hiệu tài trợ cho vòng đua. Đây cũng là một phần thu nhập cho Ban tổ chức, ngoài tiền bán vé, đặt bảng quảng cáo…
Rồi khi tay đua ăn mừng trên bục cùng với các em người mẫu bốc lửa thì cũng là lúc các ông chủ ở dưới cũng mỉm cười. Nếu hết mùa giải, mà đội đua xếp thứ hạng cao thì mùa sau đội đua sẽ “rủng rỉnh” thêm tiền. Các nhà tài trợ lại tiếp tục tăng ngân sách và chế độ khen thưởng cho đội, để làm sao giữ nguyên thành tích.
Tất nhiên không phải các thương hiệu nào đầu tư nào cho F1 cũng sinh lợi. Thế nhưng, dù lớn hay nhỏ, họ cũng cảm thấy đây là “chiếc máy in tiền tốc độ nhất cho họ!”
Bình luận (0)