Sẽ bước qua tuổi 34 sau một tháng nữa, Roger Federer vẫn cứ như một loại cây trường xuân vươn lên khỏe khoắn, là mục tiêu thu hút sự quan tâm của người hâm mộ đồng thời luôn được xem là ứng viên vô địch ở mọi giải đấu mà anh tham dự. Khi mà đồng nghiệp tuổi 34 Lleyton Hewitt phải gác vợt ngay từ vòng một trước đối thủ đàn em Jarkko Nieminen trong lần góp mặt cuối cùng tại Wimbledon, hay cựu danh thủ tuổi 32 Andy Roddick hài lòng với vai trò bình luận viên thể thao trên kênh truyền hình BBC sau khi đã giải nghệ được ba mùa, sự hiện diện đều đặn của Federer ở các giải đấu lớn, gồm cả các kỳ Grand Slam khiến người ta phải tự hỏi, đâu là điểm dừng của tay vợt “không tuổi” này?
Gõ tên Federer vào các công cụ tìm kiếm trên mạng, người ta không khỏi choáng ngợp với bộ sưu tập thành tích cũng như mức độ trường thọ của tay vợt có biệt danh “tàu tốc hành”. Không chỉ nắm giữ hàng loạt kỷ lục về thời gian ngự trị ngôi số 1 thế giới (302 tuần lễ), số lượng danh hiệu Grand Slam đơn (17), số trận chung kết Grand Slam đã góp mặt (25), số giải Grand Slam liên tiếp tham dự (63), số trận thắng ở 4 giải Grand Slam (290) hay số trận thắng ở từng giải Grand Slam (ít nhất 65 trận mỗi giải), Federer còn là người duy nhất tham dự ít nhất 5 trận chung kết ở mỗi giải Grand Slam, giữ kỷ lục tham dự 9 trận chung kết tại Wimbledon và cùng với Pete Sampras chia sẻ số lần vô địch ở cả Wimbledon (7) lẫn giải Mỹ mở rộng (5 – cùng với Jimmy Connors)!
Với việc vượt qua tay vợt người Pháp Gilles Simon chỉ trong vòng ba ván đấu ở tứ kết, Federer nhận được cái lắc đầu thán phục của đối thủ trẻ hơn mình gần 4 tuổi, hệt như khi anh lần lượt đánh bại Damir Dzumhur (23 tuổi, vòng 1) rồi ba tay vợt cùng tuổi 27 sau đó là Sam Querrey (vòng 2), Sam Groth (vòng 3) và Roberto Bautista Agut (vòng 4)! Năm trận đấu đã qua tại Wimbledon, Federer chỉ mới để mất vỏn vẹn 1 ván vào tay Sam Groth, tay vợt có cú giao bóng khủng khiếp nhất hiện tại, ở loạt đánh tie-break.
Đó là tất cả các yếu tố khiến người hâm mộ dồn hết sự chú ý vào cặp đấu bán kết thứ nhì Wimbledon 2015 diễn ra tối 10-7 khi Federer gặp lại Andy Murray lần đầu tiên tại London kể từ sau trận chung kết cách đây ba năm. Có một sự trùng hợp thú vị: Sau khi vượt qua Murray ở trận đấu ấy và giành danh hiệu Grand Slam thứ 17 trong sự nghiệp, Federer cũng “tịt ngòi” luôn suốt ba năm qua, không giành nổi bất cứ ngôi vô địch ở các giải đấu lớn, thậm chí không góp mặt ở trận chung kết Grand Slam nào…
Liệu lịch sử có được viết lại bởi Federer ở lần tái ngộ đêm 10-7 để “tàu tốc hành” tìm lại thời kỳ hoàng kim chưa xa lắm của chính mình? Cần nhớ, Federer từng 9 lần góp mặt ở các trận bán kết Wimbledon và thắng cả 9 lần cũng như ba lần chạm trán gần nhất với Murray trong năm 2014, Federer đều là người giành phần thắng sau cùng.
Tất nhiên, khi tuổi tác đang dần trở thành gánh nặng, Federer chắc chắn sẽ không dễ để tái lập chiến tích trước Murray như cách đây ba năm, nhất là khi đối thủ có được sự ủng hộ rất lớn từ đông đảo người hâm mộ Anh quốc. Ngoài ra, không thể bỏ qua yếu tố, rằng trong thời hoàng kim của mình, Federer cũng chẳng mấy khi có được ưu thế trong những lần chạm trán cùng Murray, tay vợt trẻ hơn anh đến 6 tuổi. Họ đã gặp nhau 23 lần trong quá khứ và Murray đang chờ cơ hội để cân bằng tỉ số đối đầu, cụ thể là ở trận bán kết đêm nay khi chỉ còn kém Federer đúng một trận thắng.
Trái ngược với cảm giác bất an từ HLV Amelie Mauresmo cùng dàn cộng sự của bà trước trận đấu, Murray tỏ ra khá bình thản khi nói về cuộc đại chiến: “Chẳng có lý do gì để phải băn khoăn và tôi tin sẽ có giải pháp đối đầu hợp lý trước Federer. Tôi thua anh ấy ở chung kết năm 2012 nhưng sau đó không lâu, tôi đã trả được món nợ này cũng tại London, ở trận chung kết Thế vận hội. Một năm sau đó, tôi còn đánh bại được Djokovic để lần đầu tiên bước lên bục chiến thắng tại Wimbledon. Federer thi đấu ở đâu cũng nhận được sự ủng hộ của khán giả nhưng ở London, có lẽ lợi thế này luôn thuộc về tôi!”.
Bình luận (0)