Năm qua, cả hai đội U16 và U19 Việt Nam đều bị loại sớm ở cả đấu trường khu vực và châu lục. Đáng chú ý là đội U19 dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn được kỳ vọng rất nhiều nhưng đã bị loại ngay từ vòng bảng ở giải châu Á, tan vỡ giấc mơ tái hiện kỳ tích của các đàn anh Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng, Văn Hậu, Đức Chinh... năm 2016.
Đừng vắt kiệt sức thế hệ tài năng
Từ thực trạng đó chúng ta càng hiểu rõ hơn, thế hệ Quang Hải đã "gánh" cho cả làng bóng nước nhà. Nhìn lại thành công của bóng đá Việt Nam (BĐVN) ở 3 đấu trường Giải U23 châu Á, Á vận hội, AFF Cup đều với cùng một bộ khung là những cầu thủ của thế hệ này. Điều đó có nghĩa là lực lượng đỉnh cao của BĐVN rất mỏng, vì sẽ tốt hơn rất nhiều khi thành phần chủ lực của 3 đội tuyển này phải là 3 lực lượng khác nhau.
Quang Hải và lứa cầu thủ tài năng hiện tại có nguy cơ quá tải khi phải thi đấu liên tục trong 1 năm qua Ảnh: HẢI ANH
Nói không quá, thế hệ Quang Hải là tài sản quốc gia và tất cả chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc tốt cho họ. Trong thể thao có quy luật sung sức và hồi phục. Họ cần có thời gian hồi phục, được sống bên gia đình, được giải trí vì họ vẫn là những con người bình thường. Do đó, việc sử dụng thế hệ này phải được tính toán khoa học, phù hợp.
Chưa bao giờ BĐVN có được cú hích phát triển thuận lợi như hiện nay, vấn đề là các nhà điều hành phải tận dụng thời cơ này để huy động được nguồn lực toàn xã hội phục vụ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Hệ thống đào tạo, thi đấu chưa tốt
Với bóng đá đỉnh cao, nếu chúng ta xem BĐVN là mái nhà thì 4 trụ cột là: cơ sở vật chất, chính sách nguồn lực; bóng đá phong trào; hệ thống đào tạo; hệ thống thi đấu.
Cả 4 trụ cột này của BĐVN đều yếu. Trong đó, VFF chưa có kế hoạch phát triển cho tất cả các tuyến từ U11 đến tuyển (A) quốc gia để giúp bóng đá nước nhà luôn có cầu thủ giỏi kế thừa. Hệ thống đào tạo trẻ hiện nay VFF đang để cho các nơi phát triển tự phát, chưa có một đánh giá cho từng lò đào tạo để định ra chuẩn mực và định hướng chung.
VFF cũng chưa xây được chân đế đủ rộng và tạo được kim tự tháp trong hệ thống thi đấu với chất lượng cao dần lên đỉnh. VFF khóa VIII cần đưa ra kế hoạch cùng lộ trình cụ thể để sửa sai, trước mắt là 2 năm (2019-2020), những tiêu chí nào để CLB được phép chơi ở V-League. Sau 2 năm, sẽ đến giai đoạn hoàn thiện. Nếu CLB nào không đạt các tiêu chí thì xuống thi đấu ở Giải Hạng nhất, thậm chí là hạng nhì, hạng ba.
Cần phải công khai và cho xã hội biết mục tiêu rõ ràng thay vì suốt 18 năm qua, dưới sự điều hành của mấy nhiệm kỳ VFF, V-League vẫn lạc lối và chưa chuyên nghiệp. Một giải đấu không đủ mạnh, tính cạnh tranh quyết liệt chưa cao, chưa sạch như hiện tại, cộng với việc các cầu thủ Việt chưa ra nước ngoài thi đấu nhiều thì trình độ, năng lực của cầu thủ cũng bị giới hạn.
VFF cần tham mưu tốt hơn
BĐVN đang có thế hệ tốt và đang hướng đến mục tiêu có mặt ở vòng chung kết (VCK) World Cup 2026 nếu số lượng đội bóng tham dự được FIFA quyết định tăng lên từ 32 hiện nay lên 48 đội.
Khi đó, trước tiên BĐVN cần có kế hoạch 4 năm cho thế hệ Quang Hải từ 2019 đến 2023, 8 năm cho các đội U19, U21 sao cho trình độ các đội tuyển Việt Nam tiếp cận với tốp 10 châu lục. Thế nhưng, để BĐVN phát triển và tạo ra được nhiều cầu thủ tốt mới là vấn đề then chốt. Muốn như thế thì BĐVN phải phát triển từ gốc, đó là phải có kế hoạch phát triển bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường.
Chính phủ đã giao cho VFF điều hành nhưng vai trò tham mưu chưa đạt yêu cầu. VFF cần cùng bộ môn bóng đá ở Tổng cục TDTT bàn rồi từ đó có dự án trình Chính phủ đề xuất sự hợp tác giữa 3 bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục - Đào tạo và Y tế. Khi 3 bộ này có được tiếng nói chung, chúng tôi tin chắc bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường - cái gốc của mọi nền bóng đá trên thế giới - sẽ phát triển. Khi đó, các phụ huynh, ban giám hiệu các trường sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em đến với bóng đá vì không chỉ được chơi bóng đá mà thể hình, tố chất của các học sinh cũng được phát triển qua những chương trình sữa học đường, dinh dưỡng học đường... Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ đến với những dự án này bởi kinh phí dành cho bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường thường không nhiều.
Duy trì tài năng và hình ảnh
Khi cầu thủ đã nổi tiếng là gắn liền với thu nhập cao, trong khi sự nghiệp đỉnh cao của "sao" không kéo dài nên khai thác tối đa thương hiệu và hình ảnh cho cuộc sống hiện tại và tương lai khi còn tỏa sáng là chính đáng. Nhưng cân bằng được cuộc sống đỉnh cao, duy trì tài năng và hình ảnh mới là quan trọng hơn cả.
Điều này rất cần ý thức của cầu thủ cùng sự chung tay góp sức của nhiều người, từ gia đình cho đến CLB chủ quản cũng như VFF. Cho đến giờ này, gần như chưa có cầu thủ Việt Nam nào có người quản lý về mọi ngóc ngách phức tạp trong đời sống cầu thủ.
Bình luận (0)