Râm ran khá nhiều lời đồn đoán trước đó trong giới bóng chuyền nhưng chỉ khi hai văn bản chính thức được công bố từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (LĐBCVN), người ta mới lờ mờ nhận ra một vụ "lật kèo" ngoạn mục. Nhiệm vụ đặt ra cho vị thuyền trưởng của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam trong nhiệm kỳ 3 năm (2019-2021) không hề nhẹ nhàng với mục tiêu phải giành HCV tại kỳ SEA Games 31-2021. Thế nhưng, khi HLV Phùng Công Hưng - người cùng tuyển bóng chuyền nam Việt Nam giành HCĐ SEA Games 29 rồi đánh bại cả tuyển Trung Quốc tại ASIAD 2018 - mạnh dạn chấp nhận thử thách thì LĐBCVN lại đột ngột chuyển hướng sang ông Thái Quang Lai.
Không ai phủ nhận vai trò của nhà cầm quân Thái Quang Lai trong chuỗi thành tích đáng ghi nhận của CLB Sanest Khánh Hòa hơn một năm qua, kể từ khi tiếp nhận ghế nóng ở đội bóng phố biển thay cho người tiền nhiệm Triệu Tử Thiên. Dưới quyền dẫn dắt của ông Lai, Sanest Khánh Hòa lọt vào đến bán kết Giải Vô địch các CLB nam châu Á 2018, sau đó liên tiếp thành công ở Cúp Đạm Cà Mau, Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, đứng đầu một bảng tại vòng 1 Giải Vô địch quốc gia 2019 và mới nhất là chiến tích vô địch Cúp Hùng Vương 2019. Hàng loạt cầu thủ trụ cột của Sanest Khánh Hòa, đứng đầu là chủ công Từ Thanh Thuận, cũng trở thành ứng viên sáng giá cho các vị trí chính thức của đội tuyển quốc gia. Vì thế, việc HLV trưởng của đội bóng này có tiếp quản vị trí HLV trưởng đội tuyển nam xem ra cũng là điều không cần bàn cãi.
Ông Phùng Công Hưng vuột ghế HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam Ảnh: Đông Linh
Thực lực của bóng chuyền nam Việt Nam trong hơn 10 năm qua không quá thua sút so với các đối thủ cùng khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Vấn đề là cách thức đầu tư lâu dài, hướng phát triển chuyên môn cho bóng chuyền Việt Nam - cả hai đội tuyển nam lẫn nữ - chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc qua nhiều nhiệm kỳ của LĐBCVN. Ngay cả vị trí HLV trưởng cũng thay đổi xoành xoạch qua từng năm, theo từng giải đấu và người hâm mộ đã nhiều lần chứng kiến các HLV từ chối lệnh triệu tập làm việc với đội tuyển nữ mà lý do rất đơn giản theo cách hiểu: Ai nắm quyền thì bóng chuyền nữ cũng giành ngôi á quân Đông Nam Á!
Câu chuyện ở đội tuyển nam có phần phức tạp hơn đôi chút bởi có cố gắng đến đâu, thành tích các kỳ SEA Games cũng dừng ở mức HCĐ, hơn chút nữa là bộ huy chương màu bạc, bất chấp nhiều nhà cầm quân có uy tín đã thử sức, từ HLV Nguyễn Mạnh Hùng đến Trần Văn Thư và gần nhất chính là Phùng Công Hưng. Chỉ có điều, dù đã mạnh dạn cam kết đưa đội tuyển nam giành HCV SEA Games 31 khi đại hội này diễn ra trên sân nhà sau hai năm nữa, điều chưa từng có trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, ông Hưng vẫn bị "lật kèo".
Thành tích của đội Thể Công bất ngờ sa sút trong vòng 4 tháng đầu năm 2019 (hạng 6/6 Cúp Hoa Lư, mất quyền tham dự Cúp Hùng Vương) và hệ quả là ông thầy Phùng Công Hưng cũng mất luôn cơ hội ký vào bản hợp đồng dài hạn với đội tuyển, cũng là điều chưa từng có với một HLV nội.
Khác với câu chuyện ồn ào ở đội nam, vị trí HLV trưởng đội tuyển nữ không thay đổi so với cách đây hai năm, bất chấp bản thành tích của đội bóng do ông Nguyễn Tuấn Kiệt dẫn dắt tại ASIAD 2018 vướng vết đen khi tuyển nữ Việt Nam để thua khó hiểu trước Đài Loan.
CLB Ngân hàng Công Thương do ông Kiệt dẫn dắt cũng thi đấu không thành công ở vòng 1 Giải Vô địch quốc gia và Cúp Hùng Vương 2019, chưa kể việc tuyển thủ quốc gia Đinh Thị Thúy kiên quyết đòi hủy hợp đồng ra đi vì những bất đồng không đáng có. Với sự căng thẳng kể trên, đội tuyển nữ Việt Nam trong lần tập trung chuẩn bị cho SEA Games 2019 không dễ có chỗ cho tay chủ công trẻ tuổi tài năng kể trên.
Bình luận (0)