Chiều 23-5, giới truyền thông tại TP HCM đã được xem buổi thuyết trình của ông Trần Văn Liêng, ứng viên phó chủ tịch (PCT) tài chính và vận động tài trợ của VFF khóa 8. Điều đọng lại sau màn ra mắt là không ít hoài nghi dành cho nhân vật còn quá xa lạ với bóng đá Việt Nam này.
Làm sao thuyết phục CĐV tải ứng dụng?
Buổi thuyết trình của ông Trần Văn Liêng kéo dài hơn 2 giờ với sự tham dự của khá nhiều bạn bè của ông Chủ tịch HĐQT Công ty Ca cao Việt Nam (Vinacacao). Trên danh nghĩa là tổ chức họp báo cũng như giới thiệu về mô hình quản lý "Bóng đá 4.0 - Pros & Cons" song phần lớn thông tin giới truyền thông cần được giải đáp về kế hoạch quản lý tài chính, kêu gọi tài trợ, huy động sức mạnh nguồn lực xã hội cho nhiệm kỳ 2018-2022 lại chưa được nhắc đến nhiều.
Theo ghi nhận của giới truyền thông, mô hình quản lý bóng đá của ông Liêng dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với việc tận dụng ưu thế của internet, các ứng dụng quản lý bóng đá, cá cược, truyền hình thể thao... Tham vọng của ứng viên phó chủ tịch VFF khóa 8 là xây dựng một hệ sinh thái bóng đá Việt Nam để đáp ứng, thúc đẩy tình yêu bóng đá của hàng triệu CĐV thông qua những ứng dụng trên thiết bị điện thoại thông minh, nhờ vào lợi thế của mạng xã hội Facebook hay kênh YouTube... Ông Liêng tin rằng chỉ cần kêu gọi được người hâm mộ "tải ứng dụng mà đội ngũ của ông xây dựng cho bóng đá Việt Nam" thì doanh thu mỗi năm của VFF sẽ tăng không ngừng, với mục tiêu trong 6-18 tháng đầu tiên ở nhiệm kỳ mới là 121-145 tỉ đồng, nhờ vào số tiền CĐV phải chi ra để tải ứng dụng (dự kiến là 22.000 đồng/lần tải).
Khi được báo chí hỏi về việc làm sao để thuyết phục CĐV bỏ tiền ra tải ứng dụng và những lợi ích họ nhận được là gì, ứng viên phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ của VFF khóa 8 có phần lúng túng. Chưa kể, ông cũng tỏ ra khó chịu khi có phóng viên hỏi về phản ứng ra sao nếu không trúng cử cũng như việc bầu Đức từng lên tiếng khuyên ông Liêng không nên tranh cử do "chưa có kinh nghiệm gì với bóng đá Việt".
Ông Trần Văn Liêng trong buổi giới thiệu chương trình hành động Ảnh: Anh Dũng
Ông Trần Mạnh Hùng vẫn là thành viên HĐQT VPF
Ngoài ông Liêng, điều mà nhiều người cũng quan tâm là việc liệu cựu phó chủ tịch HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng sau khi từ chức vì vụ lăng mạ, đe dọa Phó Ban Trọng tài Dương Văn Hiền có tiếp tục ứng cử vào ban chấp hành và phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ VFF hay không?
Trước đó, sau cuộc họp của lãnh đạo VPF chiều 22-5 tại Hà Nội, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF, cho biết ông Hùng đã chủ động xin rút khỏi chức danh phó chủ tịch VPF nhưng VPF vẫn giữ lại để giúp việc bởi ông Hùng là người có chuyên môn, VPF đánh giá cao. Trên thực tế, ông Hùng tuy đã rời khỏi vị trí Phó Chủ tịch VPF nhưng vẫn đang nằm trong HĐQT VPF do các cổ đông bầu và cũng là một cổ đông của VPF dù không ít CĐV Hải Phòng không muốn ông làm chủ tịch CLB này.
Nói về tư cách của ông Hùng, ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Chủ tịch FLC Thanh Hóa, cho biết: "Ông Hùng là một trong các cổ đông của VPF. Trong đại hội VPF, các cổ đông bầu 8 đến 9 người vào HĐQT rồi sau đó HĐQT bầu ra chủ tịch và phó chủ tịch. Hiện tại, nếu loại ông Hùng ra khỏi HĐQT thì phải chờ đại hội VPF thì mới có thể quyết định được". Ông Doãn Văn Phương, Chủ tịch FLC Thanh Hóa, khẳng định: "Theo luật tổ chức công ty cổ phần, trong trường hợp nếu một cổ đông nào muốn xin thôi hay rút khỏi HĐQT thì có thể HĐQT họp để thông qua cho trường hợp đó nhưng trước sau vẫn phải báo cáo thông qua đại hội thường niên hay bất thường".
Ông Đan Đức Hiệp, Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng, nhận định: "Việc ông Trần Mạnh Hùng từ chức ở VPF không liên quan đến LĐBĐ Hải Phòng. Hiện tại, ông Hùng cũng chưa có động thái nào ở LĐBĐ Hải Phòng".
Theo quy định của VPF, phải có 3 cổ đông trở lên đồng ý thì mới được vào HĐQT và một nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết trong kỳ đại hội VPF cuối năm 2017, ông Trần Mạnh Hùng nhận đúng 3 phiếu từ các cổ đông thành viên. Bây giờ, chỉ cần một cổ đông gửi đơn lên lãnh đạo VPF kiến nghị ông Hùng không đủ tư cách vào HĐQT là có thể ông Hùng mất toàn bộ chức danh tại HĐQT VPF.
Cần câu trả lời từ VFF
Chuyên gia bóng đá Lê Thế Thọ cho rằng ông Trần Mạnh Hùng từ chức phó chủ tịch VPF nhưng vẫn nằm trong HĐQT và vẫn ở lại làm việc trong VPF thì cũng không thay đổi gì so với trước đó. Trường hợp này không khác gì "như chưa hề có cuộc chia tay". Các cấp lãnh đạo cần phải có biện pháp hợp lý chứ không thể để ông Hùng từ chức là xong vấn đề. Cần phải loại ông Hùng ra khỏi môi trường bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ.
Theo nhiều người trong giới bóng đá, sau vụ cuộc họp "dung tục" với Ban Trọng tài VFF, ông Hùng không đủ tư cách ứng cử vào Ban Chấp hành VFF khóa mới chứ chưa nói đến ứng cử ghế phó chủ tịch tài chính. Đã đến lúc Tiểu ban Nhân sự VFF đưa ra câu trả lời cho công luận trước khi chính thức thông báo lần cuối về danh sách các ứng viên VFF khóa 8 rồi VFF sẽ xin ý kiến Bộ Nội vụ để đại hội được thông qua và tổ chức trong thời gian sớm nhất.
Cải chính
Trong bài viết "Cần làm rõ phó Ban Trọng tài bị đe dọa" trên số báo ra ngày 10-5, do phóng viên không phối kiểm kỹ lưỡng thông tin nên có sai sót. Báo Người Lao Động xin cải chính như sau: Khi trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Hiền, Phó Ban Trọng tài VFF, không có phát biểu rằng "không ngờ anh Hùng (Trần Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT VPF) đáp trả tôi bằng những tin nhắn đầy thù hằn, đe dọa. Trong tay tôi còn lời nhắn gây hấn khi tôi từ chối để ông ta tác động đến việc phân công trọng tài" - như bài báo nêu.
Báo Người Lao Động chân thành xin lỗi ông Dương Văn Hiền, ông Trần Mạnh Hùng và bạn đọc.Báo Người Lao Động
Bình luận (0)