Chủ tịch FIFA Sepp Blatter vừa tuyên bố số lượng đội bóng châu Phi và châu Á dự VCK World Cup, bắt đầu từ năm 2018, cần được tăng lên; trong khi đó, số đội châu Âu phải giảm đi. Ở World Cup 2014, châu Âu có 13 suất đến Brazil trong khi châu Phi chỉ có 5 đội và châu Á có 4,5 suất.
Không dự World Cup cũng phải đầu tư
Sự quan tâm lúc này đổ dồn vào tương lai của đội U19 quốc gia sau những thành tích đầy ấn tượng. Việc lọt vào VCK U19 châu Á và thắng cả U19 Úc cho thấy nếu được đầu tư tốt, U19 Việt Nam sẽ trở thành một đội bóng có thực lực ở châu Á, đủ sức giúp ĐTQG Việt Nam vươn lên tầm châu lục và cạnh tranh trực tiếp vé dự VCK World Cup.
Theo Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, để các đội Đông Nam Á cạnh tranh một suất đến cúp thế giới vẫn là điều rất khó khăn. Trong lịch sử, chưa đội bóng Đông Nam Á nào vượt qua vòng loại thứ ba khu vực châu Á để lọt vào giai đoạn tranh suất dự Cúp Thế giới chứ đừng nói mơ suất đi tranh vé vớt!
Tuy nhiên, ông Viễn cho rằng: “Với nền tảng hiện có, tôi nghĩ nên đầu tư để tuyển U19 phát triển đúng hướng, trở thành một đội bóng mạnh của khu vực và cạnh tranh suất dự VCK Asian Cup vào năm 2019. Đây là những mục tiêu được đặt ra ngay trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020. Vì thế, kể cả không đầu tư để cạnh tranh vé dự VCK World Cup thì chúng ta vẫn phải cố gắng phấn đấu đạt được những mục tiêu này”.
Trong khi đó, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng xây dựng một đội tuyển mạnh từ lứa U19 hiện tại là nhiệm vụ và trách nhiệm của VFF khóa này cũng như những khóa tới. Ông Hỷ nói: “Chỉ 4-5 năm nữa, nếu thời cơ đến và chúng ta chuẩn bị thật tốt để nắm bắt thời cơ ấy sẽ là điều tuyệt vời”. Theo một số nhà chuyên môn, năm 2016, khi vòng loại World Cup 2018 khởi tranh, lứa cầu thủ U19 hiện tại (đa số 17 tuổi) mới chỉ 20-21 tuổi nhưng ở vòng loại World Cup 2022, khi các cầu thủ U19 đạt độ “chín”, họ hứa hẹn đủ sức làm nên những chiến tích bất ngờ. “VFF thậm chí còn nghiên cứu sẽ đầu tư một trung tâm tập huấn cho bóng đá Việt Nam ở nước ngoài để các đội tuyển có điều kiện rèn quân tốt nhất. Đây vẫn là một kế hoạch bí mật nên tôi tạm thời chưa thể tiết lộ” - ông Nguyễn Trọng Hỷ nói.
Cần sự chung tay
Theo ông bầu Đoàn Nguyên Đức, HAGL (thông qua Học viện Arsenal-HAGL JMG) và VFF sẽ có bàn bạc kỹ lưỡng về cách thức đầu tư cho đội U19 sao cho hiệu quả nhất. “Để xây dựng một ĐTQG mạnh từ lứa U19 hiện tại nhắm tới các mục tiêu không chỉ khu vực, châu lục mà còn cho suất dự VCK World Cup, chúng tôi cần được bổ sung kế hoạch tập huấn thi đấu và nhất là đầu tư cho các cầu thủ, chúng tôi cần VFF và cơ quan quản lý nhà nước chung tay” - ông Đức nói.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ cho biết nếu đứng trước cơ hội World Cup cho bóng đá nam, VFF sẽ lập đề án để đội tuyển được đầu tư ngay từ bây giờ. Một phó chủ tịch VFF sẽ được phân công để làm nhiệm vụ tập trung phát triển lứa U19 hiện tại, hướng tới mục tiêu World Cup.
Chăm lo đạo đức Nếu bóng đá nữ đạt được giấc mơ World Cup từ VCK nữ châu Á trên sân nhà TP HCM vào năm sau và tiếp sau đó bóng đá nam có chiến lược cạnh tranh vé dự VCK World Cup 2018, 2022, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành, ngành thể thao sẽ dồn lực để đầu tư. Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nói: “Ngoài việc đầu tư có trọng điểm, bài bản, liên tục về chuyên môn, thể lực cho lứa cầu thủ tiềm năng, VFF còn cần chăm lo đạo đức, lối sống cầu thủ để trong tương lai ĐTQG có một lứa cầu thủ thực sự chuyên nghiệp cả về cách chơi bóng lẫn phẩm chất đạo đức”. |
Bình luận (0)