Có dõi theo từng bước đi trong toàn bộ hành trình tập huấn, thi đấu của Ánh Viên kể từ Olympic Rio 2016, những ai yêu mến cô kình ngư tài năng này không khỏi chạnh lòng, lo lắng.
Chưa vượt qua chính mình
Tại ASIAD 2018, Ánh Viên đăng ký thi đấu 2 nội dung sở trường gồm 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp. Thành tích của cô ở chung kết cự ly 400 m hỗn hợp là 4 phút 42 giây 81, chỉ đủ để xếp hạng 5 chung cuộc. Thông số này kém xa so với khi Ánh Viên giành HCĐ tại Incheon 2014 với thành tích 4 phút 39 giây 65 và tất nhiên, càng không thể so bì với thành tích tốt nhất của chính cô tại Olympic Rio 2016 là 4 phút 36 giây 68.
Ở cự ly 200 m hỗn hợp, Ánh Viên thậm chí còn không vượt qua nổi vòng loại khi chỉ đạt thành tích 2 phút 19 giây 79. Cô từng đoạt HCV cự ly này tại SEA Games 2017 với thông số 2 phút 14 giây 25 hay trước đó là thành tích giành tại SEA Games 2015 là 2 phút 13 giây 53.
Cần thay đổi hướng đầu tư?
Thất bại đầu tiên của Ánh Viên tại một giải đấu chính thức đã và đang làm dấy lên nhiều luồng dư luận. Trong đó, không ít người chỉ trích ngành thể thao Việt Nam đã dồn sức đầu tư quá nhiều cho kình ngư này hướng đến đấu trường ASIAD, Olympic nhưng khi "lâm trận" thực thụ lại thua liểng xiểng. Thậm chí, còn xuất hiện những ý kiến khá tiêu cực, yêu cầu chuyển hướng đầu tư sang những VĐV có tiềm năng khác…
Theo chuyên gia Chung Tấn Phong, Ánh Viên là một tài năng lớn của thể thao Việt Nam và khi đưa ra những ý kiến chỉ trích kình ngư này cùng người thầy của cô, hẳn nhiều người đã vội lãng quên quá khứ. Tại SEA Games 2005, cánh báo chí Việt Nam ở Philippines đã phải vượt hàng trăm cây số từ thủ đô Manila đến địa điểm thi đấu chỉ để ghi nhận lại khoảnh khắc kình ngư Nguyễn Hữu Việt mang về tấm HCV đầu tiên cho bơi lội Việt Nam sau hàng thập kỷ chờ đợi. Chính Ánh Viên bằng tài năng và ý chí của mình đã biến đấu trường SEA Games trở nên bình thường trong mắt người hâm mộ ở liên tiếp 2 kỳ đại hội các năm 2015, 2017 khi một mình cô mang về gần tròn 20 tấm HCV cùng vô số kỷ lục Đông Nam Á. Cũng chính kình ngư này là người đầu tiên giành huy chương cho bơi lội Việt Nam tại ASIAN Games, người Việt Nam đầu tiên giành danh hiệu vô địch châu Á trên đường đua xanh đồng thời làm rạng danh bơi lội Việt Nam với HCĐ World Cup 2016.
"Không nên quên đi đóng góp to lớn của Ánh Viên mà tập trung chỉ trích kình ngư này sau thất bại tại ASIAD. Hơn ai hết, VĐV thấm thía nhất nỗi đau của người thua cuộc một khi luôn tâm niệm lúc bước ra thi đấu là phải giành chiến thắng. Không động viên họ đứng lên từ thất bại, lại còn muốn dìm VĐV xuống tận cùng của nỗi khổ, chẳng người trung thực nào lại làm vậy!" - một chuyên gia của bộ môn thể thao dưới nước TP HCM nhận xét.
Ánh Viên thất vọng sau khi thất bại ở nội dung 400 m hỗn hợp Ảnh: Nam Trung
Trao đổi với chúng tôi, HLV Đặng Anh Tuấn thông tin ngay về một chuyện tưởng chừng chẳng mấy liên quan: Ông ngoại của Ánh Viên mất ở quê nhà ngay trước khi cô bước ra đường đua ASIAD nhưng gia đình và ban huấn luyện đã giấu nhẹm, không để cô phân tâm trước chiến dịch lớn của thể thao Việt Nam.
"Những hy sinh, mất mát ấy, ai có thể chia sẻ trọn vẹn với VĐV? Cho đến nay, đánh giá lại toàn bộ hành trình vừa qua, tôi vẫn chưa thể xác định nguyên nhân thất bại của học trò. Với tư cách người hướng dẫn, xây dựng toàn bộ quy trình tập luyện và thi đấu của Ánh Viên suốt 6 năm qua, tôi chịu trách nhiệm về thất bại này. Sáu tuần trước ASIAD, Ánh Viên đã tham dự một giải đấu toàn liên bang (Mỹ) ở Trường Đại học Columbus và đạt thành tích 4 phút 38 giây. Trong tập luyện, em cũng thường xuyên tiếp cận mốc 4 phút 36 nên nếu giữ được phong độ này, khả năng tranh chấp huy chương của Ánh Viên tại ASIAD là rất cao… Toàn bộ quá trình tập luyện, tôi đều có báo cáo hằng tuần cho lãnh đạo tổng cục và bộ môn"- ông Tuấn khẳng định.
Theo HLV này, cần có một cuộc họp rút kinh nghiệm, qua đó đánh giá đầy đủ việc tập luyện và thi đấu cũng như chấp hành mọi quyết định tiếp theo của lãnh đạo ngành. "Trước sau tôi vẫn bảo lưu quan điểm: Ánh Viên vẫn còn tiềm năng phát triển ở tuổi 22 và còn khả năng đóng góp thành tích cho bơi lội Việt Nam trong ít nhất 5-6 năm nữa. Katinka Hosszu liên tiếp gặt hái những chiến tích vang dội ở tuổi 27-28; Ye Shiwen, Missy Franklin im hơi lặng tiếng hàng năm trời sau khởi đầu thành công đến khó tin ở Olympic London 2012… luôn là những bài học tôi vẫn kể cho Ánh Viên để học trò biết cách vượt qua những sóng gió trong cuộc sống" - ông Tuấn cho biết.
Quan điểm trái chiều
Theo một chuyên gia lâu năm, trước thềm ASIAD 18, ông đã tìm kiếm trên trang chủ của Liên đoàn Thể thao dưới nước thế giới (FINA) danh sách 100 VĐV hàng đầu châu Á ở nội dung 400 m hỗn hợp và đối chiếu cụ thể để xác định Ánh Viên chỉ ở vị trí 5-7… Thứ hạng này được phản ánh chính xác tại Jakarta. Ông cho rằng ở độ tuổi 22 chưa quá già nhưng cũng không còn trẻ đối với bơi lội như Ánh Viên, cô cần có sự đột phá về công tác huấn luyện, chế độ dinh dưỡng… để có thể vươn tầm đến đỉnh cao châu lục hoặc thế giới, tùy vào quyết tâm và định hướng của cô.
Liên quan đến vấn đề có nên xem xét lại phương thức huấn luyện một thầy - một trò kéo dài nhiều năm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định sẽ phải điều chỉnh theo hướng phù hợp, tránh quá trình kéo dài khiến cả VĐV lẫn HLV rơi vào trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý khác. Dù vậy, phó đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Trọng Hổ nêu ý kiến một số VĐV ở môn bơi và điền kinh dù được ra nước ngoài tập huấn, được chuyên gia ngoại hướng dẫn nhưng vẫn thất bại.
Giành 2 HCĐ, xuống hạng 16
Những môn thế mạnh đã kết thúc chiến dịch ASIAD 18 nhưng ở một ngày góp mặt tranh tài ít nội dung nhất từ đầu đại hội, đoàn Việt Nam vẫn giành thêm 2 HCĐ (cầu mây đồng đội nam nhóm 4 và quyền Anh nữ - Nguyễn Thị Tâm hạng 48 kg).
Trong khi đó, tuyển cầu mây nữ Việt Nam ở bán kết nội dung đồng đội 4 người đã xuất sắc đánh bại đội chủ nhà Indonesia 2-1. Đây là kết quả vượt ngoài mọi dự kiến và đội nữ có cơ hội mang về HCV thứ 5 cho đoàn khi tranh chung kết với tuyển Thái Lan vào sáng 1-9.
Ở môn bóng chuyền, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thắng chủ nhà 3-1, đòi lại món nợ thua tại VTV Cup và SEA Games 2017, sẽ có suất tranh hạng 5 cùng với Kazakhstan - đội đã thua họ 2-3 ở vòng bảng.
Đoàn Việt Nam đã lùi thêm một bậc, xuống hạng 16 trên bảng tổng sắp huy chương tạm thời của đại hội.
Bình luận (0)