Đầu tháng 12 năm ngoái, trong một phần khóa học lấy bằng HLV chuyên nghiệp của AFC do VFF tổ chức tại Hà Nội, hơn 10 HLV nội nổi tiếng như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng đã đến dự khán một buổi tập của U23 Việt Nam do HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có nhiều điều đặc biệt mà nhà cầm quân người Hàn Quốc thể hiện như hơn 1 tháng sau đó trên đất Trung Quốc, khi U23 Việt Nam lập chiến tích giành HCB U23 châu Á 2018.
Từ lứa cầu thủ vừa trải qua thất bại cay đắng ở SEA Games 29 dưới thời người tiền nhiệm Hữu Thắng, ông Park Hang Seo đã làm thế nào để tái sử dụng họ, sau đó tạo nên kỳ tích ở VCK U23 châu Á? Đó là điều mà lẽ ra ngay sau khi trở về Việt Nam, VFF cần tổ chức ngay một buổi họp kỹ thuật, mời những trợ tá người Việt cũng như Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede để cùng ngồi lại với các HLV nội nhằm "giải mã" bí quyết thành công của thầy Park.
Cách chỉ đạo, cầm quân và truyền lửa của HLV Park Hang Seo cần được giới chuyên môn Việt Nam khai thác để học hỏi
Mới làm việc với bóng đá Việt Nam được vài tháng ngắn ngủi, nhà cầm quân Hàn Quốc lại làm nên kỳ tích thì ngoài việc được thừa hưởng một lứa tài năng trẻ đang đạt đến độ chín, đòi hỏi phải có những bí quyết.
Đầu tiên là yếu tố tinh thần mà như chính HLV Lê Thụy Hải từng phân tích, các HLV nội không nghĩ đến được. "Cần phải tìm hiểu ông Park đã nói những gì, biểu hiện tâm lý ra sao? Tại sao các cầu thủ khi tập luyện lại thoải mái, còn lúc ra sân chơi bóng như những chiến binh, không có dấu hiệu uể oải của người đá chính lẫn dự bị. Trả lời câu hỏi về cách làm tâm lý của HLV Park Hang Seo là cực kỳ quan trọng" - HLV Lê Thụy Hải nhìn nhận.
Sau tâm lý, thể lực cũng là điều mà nhiều thầy nội luôn sử dụng để đổ thừa cho thất bại. Tuy nhiên, U23 Việt Nam là đội bóng duy nhất của giải đấu đá trọn 120 phút kể từ tứ kết đến trận chung kết lịch sử ở sân Thường Châu. HLV Park chia sẻ: "Một yếu tố tôi chú trọng là thay đổi chế độ dinh dưỡng. Người Việt Nam có thói quen ăn những đồ không tốt cho một VĐV. Cá nhân tôi thì luôn đánh giá cao vấn đề dinh dưỡng. Khi cầu thủ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ, họ sẽ tự tin và có tâm lý tốt hơn để tập luyện và thi đấu".
Câu chuyện thể lực lâu nay luôn là vấn đề đáng ngại của bóng đá Việt Nam. "Khả năng di chuyển trung bình của các cầu thủ ở V-League nhìn chung là thấp hơn các giải đấu trong khu vực và kém xa mặt bằng chung châu Á. Do đó, chúng ta cần có những kế hoạch phát triển tâm lý đi đôi với thể lực" - chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế chia sẻ.
Thực tế thì hai yếu tố kể trên đã được các HLV nội lưu tâm rất nhiều khi bóng đá Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Vì vậy nếu khai thác, mổ xẻ kỹ lưỡng về bí quyết thành công của HLV Park Hang Seo thì chiến thuật, cách dùng người của ông thầy người Hàn có giá trị cao nếu làm thành bài giảng cho các thầy nội học tập.
Được đánh giá là một trong những đội bóng yếu nhất giải, việc U23 Việt Nam tạo cơn địa chấn châu Á đã khiến giới chuyên môn tại Việt Nam cũng như châu lục hết sức bất ngờ. Ông Park đã áp dụng lối đá phòng ngự hết sức hợp lý cho cầu thủ Việt. Yếu về thể hình, thể lực và cả tốc độ so với các đối thủ ở châu lục, U23 Việt Nam sẽ nhanh chóng thất bại nếu tiếp tục đá đôi công. Vì thế, họ buộc phải đá phòng ngự phản công với số đông cầu thủ bên phần sân nhà để giữ thế trận trước sức tấn công mạnh mẽ của đối thủ.
Kể từ khi sang Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã mạnh dạn thử nghiệm khá nhiều sơ đồ mới, từ 3-4-3, 4-1-4-1 đến 5-2-3 và cuối cùng chốt lại đội hình 5-4-1 cho U23 Việt Nam. Chính chiến thuật đá phòng ngự 2 tầng của thầy Park đã buộc mọi đối thủ phải ngao ngán cho dù cầm bóng trên 60% trong suốt trận đấu. "Dù tập trung bên phần sân nhà nhưng U23 Việt Nam luôn chủ động dâng lên khi có bóng. Chúng ta không sử dụng nhiều đường chuyền ngắn ban bật, dễ mất bóng mà biết kết hợp giữa phối hợp nhỏ và sử dụng những đường phát bóng dài lên tuyến trên nhằm tạo ra những sự đột biến. Điều này đã giúp các cầu thủ Việt Nam có lối đá phòng ngự phản công cực kỳ nguy hiểm, khiến đối thủ không dám coi thường ở những trận cầu sau đó. Thực tế cho thấy đây là một chiến thuật vô cùng hiệu quả để đối đầu với các đối thủ cửa trên, bất kể đó là đội bóng Tây Á hay Trung Á" - HLV Phan Thanh Hùng phân tích.
Trong các buổi học nâng cao nghiệp vụ do VFF tổ chức, nhiều chiến thuật của các HLV lừng danh như Jose Mourinho, Alex Ferguson được dùng để "thị phạm". Hy vọng sắp tới sẽ có thêm một bài giảng gắn với tên ông Park Hang Seo, một HLV đi vào lòng người nhanh nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Thay đổi từ V-League
Ở V-League hiện nay, nhiều đội bóng cũng đang áp dụng chiến thuật đá phòng ngự, phản công. Dù vậy, phần lớn các đội bóng đều thi đấu co cụm với số đông cầu thủ phòng ngự để chống lại các ngoại binh to cao đá càn lướt của đối phương. Chính việc đá lùi sâu, cự ly các tuyến không được bảo đảm nên khi phản công, họ đều phần lớn đưa bóng lên cho các ngoại binh hoặc các tiền vệ cánh tự xoay xở. Chính điều này khiến cho tỉ lệ chuyền bóng chính xác thấp, ít tạo ra cơ hội phản công nguy hiểm. Đó chính là điều mà các CLB cần khắc phục khi nhìn vào lối đá của U23 Việt Nam ở giải châu lục.
Bình luận (0)