Theo chúng tôi, ông Tú xin từ chức Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hôm 10-4 mà được HĐQT đồng ý mới là... bất thường!
Tại sao? Theo quy định của VPF, ai có 10% vốn ở VPF sẽ có một ghế ở HĐQT và như thế, VFF với 35,4% vốn nên có 3 suất ở HĐQT là ủy viên thường vụ Trần Anh Tú, Tổng Thư ký Lê Hoài Anh và Phó Tổng Thư ký Đinh Thị Thu Trang. Năm suất còn lại ở HĐQT được tiến cử và bầu chọn trong đại hội cổ đông với yêu cầu bắt buộc: mỗi thành viên phải được ít nhất 10% cổ đông giới thiệu và 5 người có số phiếu bầu chọn cao nhất sẽ đại diện cho phần vốn còn lại của các CLB V-Leaggue, Hạng nhất tham gia HĐQT.
Trong 8 thành viên HĐQT VPF hiện tại, có đến 6 người được cho là có mối liên kết chặt với nhau Ảnh: HẢI ANH
Người bên ngoài không am hiểu thì thấy chuyện bầu cử công khai này rất bình thường nhưng thật ra lại không bình thường chút nào. Bởi có ít nhất 4/14 đội V-League giờ đây được cho là có liên quan đến một ông bầu, gồm các đội Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn - mỗi CLB có 3,9% vốn ở VPF. Kết quả 8 người trong HĐQT VPF nhiệm kỳ 3 gồm những ai? Ba người của VFF kể ở trên, ông Trần Mạnh Hùng (Hải Phòng, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT VPF), Lê Nguyên Hồng (Quảng Nam), Phạm Thanh Hùng (Quảng Ninh), Nguyễn Hồng Thanh (SLNA) và Trần Lâm Vũ (Đồng Tháp).
Ngoại trừ 2 người cuối, 6 người đầu được giới am hiểu cho là thuộc một nhóm có mối liên kết với nhau sau khi ông Trần Mạnh Hùng gia nhập VPF nhờ sự giới thiệu của lãnh đạo VFF và Chủ tịch HĐQT VPF. Thật ra nếu ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông - không lên tiếng góp ý thì Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn đã đại diện phần vốn của VFF tại VPF chứ không phải ông Lê Hoài Anh.
Tình trạng một ông bầu vừa là chủ vừa có tiếng nói quyết định đến ít nhất 4/14 đội ở V-League, lỗi do đâu? Lỗi đầu tiên thuộc về người phụ trách chuyên môn cao nhất ở VFF là Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ngày trước bầu Trần Đình Long (Hòa Phát Hà Nội) phải từ bỏ bóng đá cuối mùa 2011 vì không chịu nổi sự phức tạp, quá nhiều chiêu trò xen lẫn tiêu cực, bạo lực chưa giảm ở V-League thì giờ đây môi trường bóng đá nội chưa khá hơn.
Nếu lần lượt bầu Đức rút HAGL ra khỏi V-League (đã có lộ trình) cũng như bầu Thắng quyết định không tài trợ cho CLB Long An, chắc chắn tương lai con thuyền bóng đá Việt Nam có nguy cơ lạc lối khi được chèo lái bởi một nhóm người. Vì sao Tổng cục TDTT thậm chí Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, không lên tiếng hoặc giải quyết dứt điểm?
Bầu Đức hủy gặp ông Tú
Cuộc gặp được những người làm bóng đá Việt Nam quan tâm và chờ đợi nhất dự kiến tổ chức vào ngày 12-4 với sự góp mặt của các ông bầu Võ Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức và Trần Anh Tú rốt cục sẽ không xảy ra. Chiều 11-4, ông Võ Quốc Thắng cho biết bầu Đức đã quyết định hủy cuộc gặp vì biết chắc không thể tìm được tiếng nói chung với ông Tú bởi trước đó một ngày, HĐQT Công ty VPF đã bỏ phiếu tín nhiệm cho ông Tú - chủ tịch VPF - tiếp tục giữ 2 chức danh Tổng Giám đốc VPF và Trưởng Ban Điều hành V-League, Giải Hạng nhất và Cúp Quốc gia.
Bầu Đức chán nản thì bầu Thắng cũng bày tỏ sự thất vọng. Ông để ngỏ luôn khả năng sẽ không đầu tư bóng đá trong trường hợp ông Trần Anh Tú trúng cử chức phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ của VFF, đồng nghĩa với việc ông Tú sẽ nắm giữ một loạt chức danh chủ chốt của bóng đá Việt Nam.
Bầu Thắng cho biết đến thời điểm này, ông chưa duyệt chi ngân sách cho CLB Long An tham dự mùa Giải Hạng nhất 2018 nên hoàn toàn có thể ngừng làm bóng đá. "Tôi nói với em trai tôi (ông Võ Thành Nhiệm) là nếu HĐQT VPF xài tiền sai mục đích, đồng thời còn kiểu anh Tú ôm đồm quá nhiều vai trò ở VFF và VPF thế này thì tôi ngừng làm bóng đá. Ai muốn làm thì làm. Tôi lo việc khác. Chừng nào hết tình trạng thiếu minh bạch như thế này, tôi sẽ trở lại với tình yêu bóng đá của mình" - bầu Thắng khẳng định.
A.DŨNG
Bình luận (0)