Theo chia sẻ của lãnh đạo VPF, quy trình cũ sẽ chỉ có 2 công đoạn. Đầu tiên Ban trọng tài VFF gồm 5 thành viên sẽ lập danh sách trọng tài làm nhiệm vụ, trưởng Ban Nguyễn Văn Mùi ký duyệt. Sau đó, danh sách này sẽ chuyển sang tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam (VFF) là ông Lê Hoài Anh ký duyệt. Ông Hoài Anh lại bận rất nhiều việc nên đôi khi ký qua loa, đặt hết niềm tin vào Ban trọng tài.
Sau sự cố sân Long An và nhất là từ ý kiến của cuộc họp Hội đồng quản trị VPF hôm 28-2, lãnh đạo VPF thống nhất lập ra tổ phản biện gồm 3 người là ông Cao Văn Chóng (Tổng giám đốc VPF), ông Nguyễn Minh Ngọc (trưởng BTC giải) và ông Phạm Ngọc Viễn (phó chủ tịch HĐQT VPF). 3 người này có nhiệm vụ ngồi nhận danh sách do trưởng Ban trọng tài cung cấp, từ đó thảo luận, thống nhất có đồng ý để danh sách này gửi lên VFF hay không.
"Quy trình này phức tạp hơn nhưng đảm bảo không trái quy định FIFA. Tuy có thể làm trưởng Ban trọng tài cảm thấy hơi tổn thương nhưng hệ số an toàn cho các trận đấu cũng cao hơn. Đây là thời điểm để VFF, Ban trọng tài và BTC giải lấy lại niềm tin của các đội bóng và người hâm mộ", một thành viên VPF chia sẻ.
Nếu phát hiện Ban trọng tài phân công trọng tài có vấn đề như vừa mắc lỗi vòng trước, bị dư luận dị nghị hoặc từng có những sai sót không hay với đội bóng trong quá khứ..., tổ phản biện có quyền loại trọng tài đó. "Tuy nhiên, nếu trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi vẫn muốn chọn trọng tài gây tranh cãi làm nhiệm vụ và ông Mùi được 1 trong 3 thành viên của tổ phản biện ủng hộ, có nghĩa số phiếu là 50/50 thì người quyết định trọng tài đó có được cầm còi hay không là do chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng quyết định. Khi đó, ông Thắng sẽ là người chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai sót", một thành viên VFF cho biết.
VPF khẳng định không xé luật, vì quy trình vẫn giữ gần như nguyên vẹn hai khâu quan trọng nhất là khâu Ban trọng tài đề xuất và lãnh đạo VFF phê duyệt cuối cùng. Chỉ có thêm khâu trung gian mà thôi. Mà như thế, FIFA không cấm.
Bình luận (0)