Không Serena Williams, chẳng có cả Maria Sharapova lẫn Victoria Azarenka, chiếc cúp vô địch đơn nữ Roland Garros lần đầu tiên sau nhiều năm trở thành mục tiêu của những "kẻ ngoài cuộc", trong đó, sáng giá nhất chỉ là đương kim vô địch Garbine Muguruza và á quân mùa 2014 Simona Halep.
Halep đứng trước cơ hội làm nên lịch sử
Hầu như chẳng mấy ai quan tâm, thậm chí, để ý đôi chút đến Jelena Ostapenko, tay vợt gần như vô danh đến từ Latvia mà hành trang chưa có nổi một danh hiệu WTA "lận lưng". 19 tuổi, thứ hạng nằm ngoài Top 30 không đủ để nhận một suất hạt giống, Ostapenko chìm khuất giữa đông đảo các tay vợt trẻ xinh đẹp, tài năng và có chung một niềm tin: Chờ cơ hội để tỏa sáng.
Ostapenko và cuộc lội ngược dòng không tưởng ở chung kết
Cho đến nay, quần vợt vẫn chỉ dành cho tầng lớp trưởng giả mới tại Latvia, quốc gia Đông Âu nhỏ bé nằm bên bờ biển Baltic. Nếu ông bố Jevgenijs Ostapenko không từng theo nghiệp cầu thủ bóng đá, bà mẹ Jelena Jakovleva không phải là HLV quần vợt cũng như không có sự hỗ trợ từ Quỹ phát triển quần vợt Grand Slam (GSDF), có lẽ cô bé Jelena không đủ khả năng theo đuổi môn thể thao tốn kém này mà thay vào đó có thể đã là một VĐV khiêu vũ nghệ thuật chuyên nghiệp (cô từng tham gia Giải vô địch Latvia môn này).
Cú đánh trái hai tay đầy uy lực như Wawrinka
Vào đến chung kết giải Charleston và bán kết giải Prague Open, thế nhưng Jelena Ostapenko vẫn không tự tin khi góp mặt tại Roland Garros, nơi cô liên tiếp bị loại ba mùa giải gần nhất đều từ trận mở màn, gồm giải trẻ 2014, vòng loại 2015 và vòng chính 2016. Lần này, trận ra quân của Ostapenko cũng suýt gặp khó khi cô để thua ngay ván đầu tiên nhưng đủ kiên trì để thắng ngược Louisa Chirico 4-6, 6-3, 6-2.
Cú đánh thuận tay tốc độ cao hơn Andy Murray
Thi đấu 7 trận, Jelena có đến 4 trận phải lội ngược dòng và 5 trận phải chiến đấu đủ ba ván. Quan trọng hơn cả là cô gái vừa tròn 20 tuổi vào ngày đấu bán kết đã lần lượt đánh bại các ngôi sao đàn chị như nhà vô địch Thế vận hội 2016 Monica Puig (vòng 2), cựu vô địch Mỹ mở rộng Sam Stosur (vòng 4), cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki (tứ kết), tay vợt nữ số 1 Thụy Sĩ Timea Bacsinszky (bán kết) và cả hạt giống số 3, cựu á quân Simona Halep ở trận chung kết để lên ngôi theo cách chẳng ai ngờ tới.
Ostapenko di chuyển rất nhanh trên mặt sân đất nện
Những năm tháng miệt mài tập luyện môn khiêu vũ, thường xuyên di chuyển chỉ bằng 10 đầu ngón chân đã rèn cho Jelena một bộ pháp hết sức linh hoạt, tiến thoái nhịp nhàng mà khán giả Roland Garros đã phục lăn khi cô gái trẻ này hầu như không bỏ qua bất cứ tình huống cứu bóng nào. Cô chỉ không tiết lộ "bí quyết" để có được những cú đánh thuận tay đầy uy lực không kém các tay vợt nam hàng đầu còn những quả trái hai tay đang biến cô thành "Wawrinka của phái nữ" về cả sức mạnh lẫn độ chuẩn xác. Hãy hỏi điều này với Simona Halep, "nạn nhân" của Jelena Ostapenko trong trận chung kết.
Niềm vui giành chức vô địch Grand Slam
Dẫn trước 6-4 ván đầu tiên và tiếp tục tạo khoảng cách 3-0, chi thiếu một điểm nữa để dẫn 4-0 ở ván hai, Halep có lẽ chỉ còn tự trách mình khi để vuột chiến thắng gần như đã trong tầm tay. Danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp cùng vị trí số 1 thế giới, tất cả đã tan theo mây khói đối với Halep sau khi Ostapenko bừng tỉnh, thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong số các trận chung kết Grand Slam đơn nữ khoảng một thập niên trở lại đây.
Nỗi buồn Halep, niềm vui Ostapenko
Nhiều cái "nhất/đầu tiên" được Jelena Ostapenko thiết lập khi giành chiến thắng trong trận chung kết tại Paris: Nhà vô địch Pháp mở rộng trẻ nhất trong vòng 20 năm qua (sau Iva Majoli mùa giải 1997); Tay vợt không phải hạt giống đầu tiên giành chức vô địch Roland Garros ở kỷ nguyên mở rộng; Tay vợt Latvia đầu tiên giành được một danh hiệu Grand Slam; Tay vợt trẻ nhất góp mặt ở Top 30 đơn nữ thế giới; Tay vợt trẻ nhất lần đầu giành danh hiệu Grand Slam trong vòng 13 năm…
Không nhiều các tay vợt nữ thế hệ 9X có được một danh hiệu lớn, trước Jelena chỉ có Petra Kvitova (vô địch Wimbledon ở tuổi 27) và Garbine Muguruza (vô địch Pháp mở rộng lúc 23 tuổi). Kvitova trầy trật bảo vệ thứ hạng sau hai lần lên ngôi ở London còn với Muguruza, thất bại ở vòng 2 Wimbledon 2016 đưa cô trở thành tay vợt thứ 9 trong lịch sử bị loại/ bỏ cuộc trước vòng tứ kết giải Grand Slam ngay sau khi đăng quang.
Roland Garros sẽ là bước ngoặt trong sự nghiệp Ostapenko?
Tại Wimbledon sắp tới, khi đương kim vô địch Serena Williams chắc chắn vắng mặt còn Maria Sharapova lẫn Victoria Azarenka đều tuyên bố trở lại, liệu Jelena Ostapenko có tránh được "vết mòn" mà các tay vợt đàn chị từng mắc phải?
Bình luận (0)