"Người Việt thích hát và yêu bóng đá vô bờ bến, rất cần có những ca khúc cổ động để tiếp sức từ khán đài cho các cầu thủ thi đấu dưới sân. Cảnh người hâm mộ phủ đỏ các tuyến đường lớn ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác trong cả nước, hàng dài người đội nắng ở sân bay chào đón các tuyển thủ trở về từ trận chung kết U23 châu Á 2018 chính là ý tưởng cho cuộc tìm kiếm sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" giữa CĐV và bóng đá Việt, để rồi với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Báo Người Lao Động và Công ty CP Công nghệ giải trí thể thao Việt (VSET), "Hành trình hát vì đội tuyển - Cuộc thi sáng tác bài hát cổ động bóng đá Việt Nam" chính thức ra đời vào tháng 11-2018" – đạo diễn Hải Ninh bộc bạch.
Đạo diễn Hải Ninh giới thiệu về Gala trao giải "Bài hát cổ động bóng đá Việt Nam"
Từng là người "đỡ đầu" cho nhiều sự kiện, chương trình lớn của showbiz Việt, việc tham gia cuộc thi sáng tác bài hát cổ động bóng đá Việt Nam đối với đạo diễn Hải Ninh không quá mới mẻ nhưng những nét "độc - lạ" của chương trình vẫn khiến ông say mê, như những điều ông chia sẻ về cuộc tìm kiếm có một không hai này.
PV: Âm nhạc dành cho bóng đá có khô khan không, khác biệt ra sao với các lĩnh vực khác theo góc nhìn của ông?
ĐD Hải Ninh: Nhiệm vụ của người sáng tác là viết nên những ca khúc truyền được cảm xúc đến một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội. Ca khúc viết cho thể thao nói chung, bóng đá nói riêng cũng nằm trong quy luật và bản chất ấy. Có điều, nghe ca khúc viết riêng cho bóng đá như cảm nhận được "chất lửa", mỗi giai điệu khi cất lên là máu trong hàng triệu con người "nóng" lên, không phân biệt đó là CĐV hay cầu thủ. Có những giai điệu bi hùng và có cả giai điệu bốc lửa, và khi được nhiều người hát trong một thời điểm nhất định khi cầu thủ của "bên mình" thi đấu dưới sân là hiệu quả nhất.
CĐV Việt Nam mê bóng đá, yêu âm nhạc
PV: 11 tháng phải thực hiện hàng loạt sự kiện của chương trình, trong đó có các buổi livestream, ông đánh giá ra sao về tất cả cũng như về Gala trao giải của chương trình?
ĐD Hải Ninh: Thực sự khi nhìn lại cả chặng đường, chúng tôi không nghĩ rằng mình có thể làm được như thế, làm việc quên cả ăn nghỉ, tất cả khi có chuyện là xắn tay làm, không phân biệt giám đốc sản xuất, đạo diễn hay nhân viên, tiết giảm tối đa chi phí thực hiện, thậm chí các nhạc sĩ, ca sĩ tham gia đều không quan tâm đến chế độ bồi dưỡng mà thay vào đó, làm việc vì một tình yêu bóng đá. Tôi chắc chắn chưa có buổi Gala nào mà 10 tiết mục vào chung khảo đều do các tác giả tự huy động nhân lực, đạo cụ để tham gia, thể hiện sản phẩm tinh thần của mình trong khả năng tốt nhất như buổi lễ trao giải "Bài hát cổ động bóng đá Việt Nam". Nội dung hấp dẫn, thú vị ra sao, xin để người hâm mộ và khán giả yêu mến thẩm định bởi khi các tác giả thể hiện bằng con tim và sự tự trọng nghề nghiệp, tôi nghĩ hiếm có sự kiện nào đáng được quan tâm như thế.
Nhiều buổi livestream để các nhạc sĩ tự giới thiệu tác phầm trước CĐV
PV: Ông có thể tiết lộ vài nét đáng chú ý của Gala mà theo ông là đủ sức "kéo" được khán giả, cổ động viên đến nghe 10 bài hát vào chung khảo?
ĐD Hải Ninh: Sân vận động Hoa Lư từng đi vào lịch sử ca nhạc Sài Gòn với việc tổ chức thành công nhiều đại hội nhạc trẻ trước đây, chắc chắn sẽ lại tiếp tục ghi điểm với người hâm mộ bóng đá cũng như giới âm nhạc thành phố. Tôi chỉ có thể nói, một sáng cuối tuần đẹp trời, nhiều ý nghĩa như thế nếu ai không đến, bảo đảm sau này sẽ còn tiếc rẻ dài dài (cười). Tôi tin chương trình của Báo Người Lao Động và VSET sẽ ghi thêm một cột mốc mới cho sân Hoa Lư.
Một buổi tập dượt cho Gala trao giải "Hát vì đội tuyển"
PV: Ông có cho rằng 10 bài hát vào chung khảo lần này đủ sức "đi" vào lòng CĐV bóng đá Việt Nam hay chưa, hoặc cần phải có thêm vài chương trình tương tự để ca khúc bóng đá trở thành "hơi thở" của CĐV?
ĐD Hải Ninh: Tôi tin những gì xuất phát từ con tim sẽ tìm đến con tim. Rõ ràng một bài hát muốn "sống" được cần có cái duyên, cần có thời gian, điều kiện phổ biến, có khi chính cộng đồng tự chỉnh ca từ, giai điệu cho phù hợp với tình hình. Riêng "Hành trình hát vì đội tuyển - Cuộc thi sáng tác bài hát cổ động bóng đá Việt Nam", sau Gala trao giải, rất cần sự chung tay của nhiều thành phần xã hội để các bài hát trở thành tiếng nói chung của cả cộng đồng người hâm mộ bóng đá.
Khi niềm tin và lòng khát khao chiến thắng tiếp thêm động lực cho cầu thủ dưới sân
PV: "Hành trình hát vì đội tuyển - Cuộc thi sáng tác bài hát cổ động bóng đá Việt Nam" có ý nghĩa ra sao với đời sống bóng đá tại Việt Nam, thưa ông?
ĐD Hải Ninh: Lần đầu tiên, việc tìm kiếm ca khúc để cổ động viên bóng đá Việt Nam cổ vũ cho các CLB trong nước cũng như đội tuyển được tổ chức một cách nghiêm túc, dài hơi với giải thưởng cao, như một sự đánh giá đầy trân trọng đối với người tham gia. Cuộc thi đã và sẽ mang tính lịch sử để tham chiếu sau này, mở ra một giai đoạn mới, xu hướng sáng tác mới về ca khúc, các hành khúc cho thể thao vốn dĩ hiếm được chú ý đến trong hàng chục năm qua. Các nhà làm phim, truyền hình về thể thao và bóng đá theo đó cũng rất vất vả tìm kiếm nhạc nền, nhạc minh họa phù hợp, đôi khi phải lấy nhạc của nước ngoài. Chương trình cũng mang tính cộng đồng rất cao, phản ánh một nhu cầu thực của đời sống xã hội nên được rất nhiều Mạnh thường quân hết lòng giúp đỡ về cơ sở vật chất trong thời gian diễn ra cuộc thi. Nét độc đáo là từ chương trình, chúng ta nhìn thấy khát khao thực sự của cộng đồng muốn có một hoặc nhiều ca khúc dùng cổ động bóng đá. Ít có cuộc thi nào mà các tác giả chuyên nghiệp, nhạc sĩ có tên tuổi gửi bài tham dự bên cạnh các tác giả không chuyên, chưa kể các nhạc sĩ "chuyên tình ca" thể hiện sự đồng hành với bóng đá bằng cách đầu tư mạnh cho tác phẩm "tay trái" của mình. Bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh, tiến xa từ tình yêu vô bờ bến của công chúng hâm mộ.
Đơn vị đồng hành
Bình luận (0)