Tại Á vận hội Incheon cách đây một năm, Ánh Viên chinh phục đường bơi 200 m hỗn hợp mất 2 phút 12 giây 66. Một tuần trước, tại Giải Vô địch thế giới diễn ra ở TP Kazan trên đất Nga, Ánh Viên vào đến bán kết cự ly này và chỉ xếp hạng 15/16 khi về đích sau 2 phút 13 giây 29. Nhưng đêm 11-8, kình ngư quê Cần Thơ giành HCĐ với thành tích 2 phút 12 giây 33.
Những biến động xung quanh các thông số này hoàn toàn là điều dễ hiểu khi thành tích phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý thi đấu, môi trường cạnh tranh với những đối thủ ở đẳng cấp khác nhau và cả tính chất của cuộc thi. Điều này có thể lý giải một phần nguyên do vì sao chỉ trong khoảng một tuần, Ánh Viên lại có thể cải thiện đáng kể thành tích của mình, điều mà không chỉ thầy trò cô kình ngư này mà cả giới chuyên môn trong nước cũng nóng lòng dõi theo.
Rút ngắn thời gian đến 33% giây, Ánh Viên thực sự khiến tất cả mọi người phải nể phục. Cũng như khi tham dự SEA Games Singapore 2015, kình ngư này chưa bao giờ hài lòng với chính mình và nhanh chóng bỏ lại mọi thứ ở phía sau, kể cả kỷ lục lẫn số lượng huy chương, để tiếp tục hướng về những mục tiêu mới trước mặt.
Nhận xét về thành tích của học trò, HLV Đặng Anh Tuấn cho biết: “Giải Vô địch thế giới thực sự là đỉnh cao, nơi rất nhiều đối thủ mạnh tranh tài. Ánh Viên biết cô đứng ở đâu nên tận dụng cơ hội quý giá này để kiểm tra bản thân, hoàn thiện thành quả đạt được, đồng thời tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Cúp bơi lội thế giới ở một tầm thấp hơn, tính đua tranh không khốc liệt bằng, trải dài quanh năm, không nhiều VĐV mạnh bị buộc tham dự nên cơ hội giành huy chương tất yếu sẽ lớn hơn”.
Trong 8 VĐV dự thi chung kết 200 m hỗn hợp ở Cúp bơi lội thế giới, chỉ có duy nhất cái tên sáng giá là Katinka Hosszu. Nhà vô địch thế giới người Hungary này về đích với thành tích thấp hơn khá nhiều so với khi tranh tài ở Kazan (2 phút 10 giây 68 so với 2 phút 06 giây 12). Thành tích giành HCĐ của Ánh Viên ở Moscow (2 phút 12 giây 33) chỉ nhỉnh hơn những gì mà người về đích thứ 8 ở Kazan là Ye Shi-wen làm được là 2 phút 14 giây 01.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, khẳng định: “Chúng ta có quyền vui mừng với thành tích của Ánh Viên vì đây là lần đầu tiên bơi lội Việt Nam có huy chương ở cấp độ thế giới. Tuy nhiên, cần nhìn lại sự khác biệt của 2 sân chơi bởi Cúp bơi lội thế giới không thể sánh ngang đẳng cấp của Giải Vô địch thế giới, nơi cho ra đời những ngôi sao, những kỷ lục và cả bệ phóng để họ vươn lên hơn nữa. Dù sao, thành tích cá nhân của Ánh Viên được cải thiện rõ rệt chính là nguồn động viên lớn lao cho chính cô, đội ngũ chuyên môn làm nghề và người hâm mộ cả nước”.
Sa sút ở cự ly 400 m
Nội dung vòng loại 400 m tự do nữ diễn ra chiều 12-8, Nguyễn Thị Ánh Viên về đích ở vị trí 15/17 sau 4 phút 24 giây 77, kém xa thành tích tốt nhất do chính cô lập được tại SEA Games 2015 là 4 phút 08 giây 66. Về nhất vòng loại cự ly này vẫn là Katinka Hozzsu, nhanh hơn Ánh Viên gần 13 giây. Trong 8 VĐV vào chung kết có đến 3 tay bơi người Trung Quốc.
Bình luận (0)