Đội bóng mới nhất vừa công bố nhà tài trợ trang phục cho V-League 2018 khiến nhiều người hâm mộ ngạc nhiên lại là HAGL, CLB luôn là tâm điểm của giới truyền thông cũng như người hâm mộ cả nước. Sáng 9-3, HAGL và thương hiệu thể thao số 1 Nhật Bản Mizuno đã ra mắt trang phục thi đấu và di chuyển của mùa giải 2018.
Các trụ cột HAGL trong trang phục mới cho mùa giải 2018
Nói ngạc nhiên vì sau 16 năm chơi bóng ở V-League, HAGL mới kết duyên cùng một nhà tài trợ trang phục thể thao có tên tuổi tầm cỡ. Trong suốt một thời gian dài, việc HAGL mặc trang phục mà CLB đặt may từ một số cửa hàng kinh doanh trang phục thể thao đã trở thành đề tài bình phẩm của người hâm mộ. Nhiều người cho rằng một đội bóng có thương hiệu như HAGL nhưng 15 năm mặc trang phục "hàng chợ" là điều phải suy nghĩ.
Bàn về vấn đề này, trưởng đoàn CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh cho rằng có những yếu tố khách quan khiến chính ban lãnh đạo CLB cũng chần chừ: "CLB có 4 khóa đào tạo của Học viện HAGL JMG, cộng thêm các lớp năng khiếu và ban huấn luyện, tính ra hơn 150 người. Mỗi năm chúng tôi tốn hơn 1,5 tỉ đồng chỉ để may trang phục thi đấu và di chuyển cho toàn bộ thành viên CLB. Cũng có một số nhà tài trợ muốn đến với HAGL nhưng xét về tầm vóc thương hiệu thì có những rào cản buộc đội bóng phải từ chối. Chúng tôi xác định có thể tốn tiền tự may trang phục chứ hợp tác với những nhãn hàng nhỏ sẽ làm giảm giá trị, thương hiệu đội bóng".
Chính từ suy nghĩ đó mà phải đến mùa giải 2018, HAGL mới thực sự quan tâm đến chuyện mặc trang phục thi đấu chính hãng sau lời đề nghị tài trợ từ Mizuno dành cho đội một và trong tương lai, hai bên sẽ thương thảo tiếp việc tài trợ cho toàn bộ các khóa của CLB. "Mizuno là thương hiệu thể thao số 1 Nhật Bản cũng như hàng đầu châu lục. Khoác lên mình chiếc áo có thương hiệu lớn của thế giới là một niềm tự hào đối với mọi cầu thủ của HAGL. Các cầu thủ sẽ thi đấu tự tin hơn, từ đó nâng tầm thương hiệu cho cả HAGL lẫn đối tác" - ông Tấn Anh chia sẻ.
Sau mối lương duyên giữa HAGL và Mizuno, chỉ còn 2 đội bóng dự V-League 2018 mặc trang phục tự đặt may là CLB SHB Đà Nẵng và Sanna Khánh Hòa BVN. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng khích lệ cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, khi những thương hiệu thể thao lớn ở trong nước lẫn quốc tế như Động Lực (với thương hiệu nhượng quyền Mitre), Keep Dri, VNA Sports, JGBL (Nhật Bản) hay Joma, Kappa (Ý) tìm đến với các đội bóng. Bên cạnh việc tiết kiệm được những khoản chi phí lớn cho việc tự đặt mua trang phục thi đấu, các đội bóng cũng nâng tầm được thương hiệu trong mắt người hâm mộ, vốn sẵn sàng bỏ tiền để được sở hữu những chiếc áo cổ vũ có chất lượng tốt, thay vì trang phục "hàng chợ" kém chất lượng.
"Một chiếc áo với giá 500.000-700.000 đồng không rẻ nhưng cũng không quá đắt nếu người hâm mộ thực sự yêu mến các cầu thủ ngôi sao cũng như đội bóng. Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp, việc các CLB được tài trợ trang phục chính hãng góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho các CLB cũng như nhà tài trợ. Vì thế, V-League càng nhiều đội bóng mặc áo đấu chính hãng, đồng nghĩa với thương hiệu giải đấu cũng được đánh giá cao về sự chuyên nghiệp" - ông Tống Đức Thuận, Giám đốc Công ty Midomax, nhà phân phối độc quyền Mizuno tại Việt Nam - chia sẻ.
Bình luận (0)