Trở lại cách làm của VPF ở hai nhiệm kỳ trước liên quan đến logo thì quy trình làm việc như thế này: anh em văn phòng VPF tự thiết kế rồi trình bày với ban lãnh đạo về ý nghĩa, hình khối, màu sắc. Sau khi lãnh đạo VPF xem xét, bình chọn thì các mẫu logo được chọn sẽ được giới thiệu với nhà tài trợ và mẫu cuối cùng được chọn là có sự thống nhất giữa VPF và nhà tài trợ. Quy trình này không mất một chi phí nào và không để lại bất kỳ điều tiếng nào.
Chưa hết, VPF thời ông Trần Anh Tú khi họp HĐQT hiếm khi cần đến sự tham gia của Trưởng Ban Kiểm soát (TBKS) Lê Hồng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá Becamex Bình Dương (chủ quản của CLB B.Bình Dương). Duy nhất một lần mời ông Cường họp đầu tháng 12-2017, nhưng ông Cường vắng mặt do trùng thời gian đám tang mẹ ông.
Nhiều người đã hỏi vì sao mấy lần HĐQT họp mà ít khi nào thấy ông Cường, ông nói: "Có lẽ HĐQT và ban tổng giám đốc chưa hiểu hết vai trò của TBKS. Tôi có hỏi ông Tú và ông đã xin lỗi rồi cho biết sẽ gửi toàn bộ văn bản cho tôi nhưng đến nay, ngày 23-3, tôi vẫn chưa nhận được". Trái ngược, thời ông Võ Quốc Thắng làm chủ tịch HĐQT VPF (không kiêm chức tổng giám đốc VPF như ông Tú), cuộc họp nào cũng có phải có mặt TBKS, thậm chí ông Thắng luôn nhắc tên TBKS đầu tiên trong cuộc họp vì vị trí TBKS rất quan trọng trong mô hình hoạt động của công ty cổ phần.
Là thạc sĩ kế toán kiểm toán và hơn 20 năm là giảng viên đại học ngành kế toán, nói nôm na là dân có nghề, nên sự im lặng của ông Cường phải hiểu rằng đó không phải là sự im lặng bất lực. Có lẽ ông Cường đang xem ông Tú điều hành VPF theo mô hình nào để báo cáo với các cổ đông, đa phần là các CLB V-League và Giải Hạng nhất.
VPF nhiệm kỳ mới vừa đi vào hoạt động chưa lâu đã có điều tiếng, thậm chí bị dọa kiện và lãnh đạo cao nhất bị bầu Đức phản ứng quyết liệt. Không phải ngẫu nhiên mà có người ví VPF hiện nay hoạt động như là công ty một thành viên và mọi quyền lực đều thuộc về 1 người khi người này nắm giữ quá nhiều chức vụ quan trọng không chỉ trong VPF mà còn muốn cả ở VFF.
Có vẻ hiện tượng một người cùng lúc giữ từ 7 đến 10 chức vụ lại tái diễn ở thượng tầng bóng đá Việt Nam. Nói thẳng ra rằng những người này đang nằm trong diện bị đưa vào dự thảo quy chế "Kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ" mà nếu không có gì thay đổi, Hội nghị Trung ương 7 của Đảng sẽ họp và thông qua vào tháng 5 tới nhằm phòng chống và kiểm soát một loại tham nhũng mới - tham nhũng chức vụ nhằm thâu tóm quyền lực!
Bình luận (0)