Chủ tịch sắp mãn nhiệm Sepp Blatter và Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini giữa tuần qua đã bị Tiểu ban Đạo đức FIFA đình chỉ nhiệm vụ trong 90 ngày vì nghi dính đến vụ đưa - nhận hối lộ. Trước đó, ông Blatter, người Thụy Sĩ, cũng bị ngành tư pháp nước này điều tra các tội danh về tham nhũng.
Ông Blatter vừa tái đắc cử chức chủ tịch FIFA nhiệm kỳ thứ 5 vào cuối tháng 5 vừa qua nhưng mất uy tín trầm trọng khi trước đó vài ngày, 14 quan chức, cựu quan chức và lãnh đạo các đối tác FIFA bị cảnh sát Mỹ, Thụy Sĩ bắt, khởi tố với các tội danh đưa, nhận hối lộ, rửa tiền, biển thủ... Nghi án dùng tiền mua phiếu bầu các chức danh lãnh đạo FIFA, bầu chọn nước chủ nhà World Cup, mua bán bản quyền truyền hình... cũng được nhắc lại, đẩy FIFA vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử buộc ông Blatter tuyên bố từ chức nhưng chỉ ra đi sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 26-2-2016.
Tuy nhiên, với các diễn biến mới nhất, xem ra các ủy viên BCH FIFA sẽ thảo luận vấn đề trong cuộc họp khẩn vào cuối tháng 10 này là liệu có nên hoãn cuộc bầu cử chủ tịch FIFA sang tháng 5-2016. Theo quy định của FIFA, ngày 26-10 tới là hạn chót gút danh sách ứng viên cho ghế chủ tịch. Trong tuần này, ứng viên người Hàn Quốc Chung Mong Joon (cựu Phó Chủ tịch FIFA) cũng bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá đến 6 năm, nếu kháng án không thành công, hết quyền ra ứng cử.
Nếu quyết định hoãn cuộc bầu cử từ tháng 2 sang tháng 5-2016, ứng viên Platini sẽ được lợi khi trở lại đường đua cho ghế chủ tịch FIFA với điều kiện ông chứng minh được sự trong sạch của mình sau vụ nhận 2 triệu euro “tiền công” từ Blatter. Tư cách hoặc vị thế ứng viên của Platini sẽ gặp phải thử thách nghiêm trọng từ chính nội bộ UEFA khi 54 thành viên của bóng đá cựu lục địa sẽ họp tại Nyon - Thụy Sĩ vào tuần tới để xem xét các bước đi thích hợp. Như lãnh đạo LĐBĐ Anh lâu nay ủng hộ Platini nhưng sẽ phải cân nhắc liệu có hậu thuẫn cho 1 ứng viên đang bị điều tiếng.
Nếu cựu tuyển thủ người Pháp không thể tham gia ứng cử hoặc ứng cử nhưng không được nhiều ủng hộ, ghế chủ tịch FIFA nhiệm kỳ tới nhiều khả năng sẽ lần đầu thuộc về vùng Vịnh khi có đến 3 hoàng thân ở Tây Á bày tỏ ý định thay Blatter. Ngoài ứng viên quen thuộc là Hoàng tử Jordan Ali Bin Hussein thì Chủ tịch LĐBĐ châu Á Salman Bin Ebrahim Al Alifa (Hoàng thân Bahrain) và Hoàng thân Kuwait - Almad Al Fahad Al Sabah (ủy viên BCH FIFA) cũng đang cân nhắc cơ hội ra tranh cử.
Dư luận xem ra ủng hộ các ứng viên Tây Á khi họ đều xuất thân vương tộc, giàu có nên sẵn sàng chi tiền túi hơn là tham nhũng từ FIFA hoặc đối tác. Chủ tịch FIFA xuất thân từ các nền bóng đá đang phát triển cũng sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho châu Á, châu Phi, khiến châu Âu và Nam Mỹ - vốn có nhiều đặc quyền - sẽ phải âu lo...
Bình luận (0)